Mặc dù người Do Thái chiếm chưa đến 1% dân số thế giới nhưng họ chiếm hơn 20% số người đoạt giải Nobel, 21% sinh viên Ivy League, 37% các đạo diễn đoạt giải Oscar. Trong lịch sử, có nhiều danh nhân nổi tiếng mà chúng ta ngưỡng mộ đều là người gốc Do Thái, như: Einstein, Darwin, Marx,…
Có thể nói, người Do Thái chiếm một số lượng không hề nhỏ trong tầng lớp tinh anh của xã hội. Dần dần mọi người trên thế giới bắt đầu tò mò liệu cách dạy con của người Do Thái khác biệt như thế nào mới tạo nên những đứa trẻ có thành tích nổi trội như vậy?
Cách giáo dục của người Do Thái ảnh hưởng bởi đạo Do Thái - một tôn giáo rất chú trọng việc học tập và phát triển tư duy phản biện cho trẻ nhưng vẫn đảm bảo trẻ được vui vẻ, khám phá những điều mới lạ theo đam mê của mình.
Sau đây là 4 bí quyết giáo dục con cái độc đáo của người Do Thái giúp con thông minh vượt trội, biết cảm thông và tự lập. Các bố mẹ Việt có thể tham khảo và áp dụng để quá trình nuôi dạy con đạt hiệu quả cao hơn.
Đối với người Do Thái, họ đặc biệt chú trọng ý thức về thời gian. Họ luôn luôn đúng giờ, không bao giờ đến muộn so với thời gian đã thoả thuận. Khi nói đến vấn đề giáo dục con cái, họ tin rằng điều quan trọng nhất là dạy trẻ biết trân trọng thời gian, tránh lãng phí những phút giây quý giá. Tôn trọng thời gian cũng chính là tôn trọng bản thân và những người xung quanh.
Trong cuộc sống, những đứa trẻ có ý thức về thời gian thường có tính kỷ luật cao. Trẻ sẽ tự lập kế hoạch thời gian và tận dụng tối đa, tránh để xảy ra "thời gian chết". Những đứa trẻ nhận thức tốt về quản lý thời gian thường có tư duy độc lập, trẻ hiểu trẻ muốn gì, bản thân có khả năng thực hiện điều gì. Vì vậy, trẻ có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn trước mọi việc.
Khi bố mẹ trau dồi nhận thức về thời gian cho con, điều đầu tiên nên làm là dạy con nhận biết thời gian. Bởi nhiều đứa trẻ thực sự không hình dung được một phút hoặc một giờ là bao lâu. Bố mẹ có thể mua cho con một chiếc đồng hồ cát để trẻ cảm nhận được độ dài của thời gian.
Sau đó, bố mẹ hãy đặt ra các quy tắc qua những việc làm hằng ngày như: Đánh răng trong 3 phút, tắm trong 15 phút, chơi điện tử trong 30 phút,… để trẻ hình thành những quy tắc tốt.
Người Do Thái chú trọng giúp con nhận thức về giá trị tiền bạc từ rất sớm. Họ dạy trẻ hiểu ý nghĩa đồng tiền để từ đó xây dựng suy nghĩ đúng đắn về giá trị tiền bạc, vật chất.
Trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ hãy cho con một khoản tiền tiêu vặt hợp lý để con học cách quản lý tiền bạc một cách độc lập. Bố mẹ không nên can thiệp sâu vào quá trình này của con.
Ngoài ra, hãy thoả thuận tiền lương tương xứng khi trẻ giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Phương pháp này giúp trẻ cảm thấy công việc kiếm tiền vô cùng vất vả. Nhờ đó trẻ sẽ biết thương yêu, đồng cảm với bố mẹ hơn. Đây cũng là cách giúp trẻ trở nên tự lập, tự giác hơn trong mọi chuyện.
Về vấn đề đọc sách, người Do Thái đánh giá đây là điều cực kỳ quan trọng cho sự phát triển trí não của trẻ. Nhiều gia đình Do Thái thường cùng nhau tổ chức một buổi thảo luận về những cuốn sách từng đọc. Thậm chí, khi trẻ chào đời sẽ được tiếp xúc ngay với sách bằng phương pháp "nhỏ mật lên sách". Sau đó, họ cho con liếm mật trên những trang sách.
Khi đó, trong nhận thức non nớt của đứa trẻ, sách là thứ gì đó rất ngọt ngào, hấp dẫn. Từ đó, mỗi khi nhìn thấy sách, trẻ sẽ tìm cách lân la lại gần. Dần dần, những cuốn sách trở thành người bạn đồng hành với trẻ.
"Sách là nấc thang tiến bộ của nhân loại". Vì vậy, việc trau dồi khả năng đọc sách độc lập không chỉ làm tăng nguồn kiến thức mà còn nâng cao sự gắn kết tình cảm với trẻ. Bố mẹ có thể chọn một số loại sách phù hợp để cùng con đọc như: Truyện cổ tích, truyện tranh,… Khi bố mẹ dành thời gian đọc cho con nghe, con sẽ học được cách ứng xử trước những tình huống trong truyện.
Đối với người Do Thái, một đứa trẻ xuất sắc không chỉ đạt thành tích cao về điểm số mà còn phải có dủ năng lực xã hội để đứng vững trong cuộc sống. Năng lực xã hội bao gồm nhiều kỹ năng sống như: Cách quản lý cảm xúc, khả năng giao tiếp,… Đây đều là những điều quan trọng và cần thiết giúp trẻ phát triển trong xã hội.
Cách hiệu quả nhất để bố mẹ giúp con phát triển năng lực xã hội là để con trải nghiệm cuộc sống hằng ngày. Và bố mẹ hãy là tấm gương sáng, cẩn trọng trong mọi lời nói, hành động để con noi gương theo.
Để rèn cho trẻ kỹ năng này, trước hết, bố mẹ không nên mất bình tĩnh. Hãy học cách kiềm chế cảm xúc khi trò chuyện với con. Điều tiếp theo, khi trẻ giao tiếp với mọi người xung quanh, bố mẹ hãy dạy con những lời nói lịch sự, cách cư xử phù hợp để trẻ để lại ấn tượng tốt.
Bố mẹ nào cũng mong con sớm "hoá rồng, hoá phượng" nhưng việc giáo dục con cái không phải một sớm một chiều đạt được. Muốn con thành danh trong tương lai, bố mẹ nên học cách người Do Thái dạy con, tiêu biểu là 4 phương pháp nêu ở phía trên. Hy vọng bài viết sẽ truyền cảm hứng để bố mẹ giáo dục con cái tốt lên từng ngày.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn