Anh Bùi Đức Toàn (Lương Yên, Hà Nội) cho biết, từ khi con đi học, anh đã đồng hành cùng con: Dạy tiếng Anh cho con, đưa con đi học đàn piano, cùng con học bơi… Anh kiểm soát việc học tập của con rất chặt chẽ từ tư thế ngồi, ánh sáng có đủ đến việc cùng con làm những bài tập khó.
Anh Toàn rất tự hào khi sự đồng hành của mình mang lại kết quả rất tốt đẹp. Con trai anh đã đạt nhiều thành tích cao, đạt giải trong các cuộc thi thành phố, quốc gia.
Con thi đỗ vào lớp 10 trường chuyên, anh thực hiện lời hứa tặng con chiếc điện thoại smartphone. Từ ngày có điện thoại, gần 3 tháng nay, con trai anh chỉ chúi đầu vào game và suốt ngày nhốt mình trong phòng để sống với niềm đam mê mới. Con thường xuyên chơi game đến 2-3 giờ sáng mặc cho bố mẹ mắng ra rả.
Anh Toàn cảm thấy vô cùng lo lắng, hoang mang bởi không thể kiểm soát được cậu con trai trước đây vốn rất ngoan ngoãn, chăm học. Con ở tuổi dậy thì, tôi không thể vác roi ra đánh con nhưng tôi không biết thuyết phục con thế nào, không biết làm thế nào để con quên game và trở lại cậu bé ham học như trước.
Một bà mẹ ở Thái Nguyên cũng rất đau khổ khi con trai vì vướng vào game mà trở nên “hư hỏng”. “Con trai tôi thường xuyên trốn học, nói dối bố mẹ để đi chơi game. Ở lớp, không ít lần con nói với cô giáo bị ốm, bị đau bụng… để xuống phòng y tế nằm, nhưng thực chất là lẻn ra ngoài cổng trường để chơi điện tử. Gần hết giờ học, con lại vào lớp học và biến thành một học sinh ngoan ngoãn, chuyên cần trong mắt bố mẹ. Tôi cảm thấy rất bất lực khi không biết làm thế nào để con có thể xa rời game”.
Chia sẻ trong buổi hội thảo “Lối thoát hiểm nghiện game và giải pháp cho trẻ trong kỷ nguyên công nghệ số”, anh Phạm Đức Duy, Senior 3D Artist tại Game Studio North (thuộc VNG), nhà sáng lập Trung tâm đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Digital Art Pigworkshop, chia sẻ, bản thân anh từng nghiện game và gặp nhiều thất bại trong học tập.
Anh Duy cho biết, nhiều cha mẹ do bận bịu, mải mê với mạng xã hội nên không dành thời gian cho con. Vì thiếu sự quan tâm của bố mẹ nên trẻ đi tìm thú vui ở game. Bởi ở game, trẻ được động viên, được tung hô và thấy mình có sức mạnh. Việc tách hẳn trẻ với công nghệ là rất khó và không nên. Bởi, khi tiếp xúc với công nghệ, trẻ phát triển IQ nhanh. Khi chơi game, trẻ có sự ghi nhớ và quan sát tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ phải kiểm soát được nội dung của game để trẻ không phát triển cảm xúc một sách sai lệch và có thể kiểm soát được hành vi.
“Các cha mẹ cần lựa chọn những game có tính giáo dục (edugame) để phát triển sự sáng tạo của trẻ. Khi trẻ chơi edugame gần như không có giới hạn về sự sáng tạo và rèn luyện tính kiên trì và sự tập trung của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cai nghiện game cho con bằng cách "lấy độc trị độc" - cho con tham gia lớp lập trình game. Bởi, trẻ bị cuốn hút game do tò mò. Khi là người sản xuất game, hiểu được nguyên tắc của game thì trẻ sẽ không còn thích chơi game nữa mà chuyển sang thú vui là làm những game mới", anh Duy cho biết.