Bí kíp trả lời câu hỏi khó của trẻ

18:07 | 08/04/2016;
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ đặt câu hỏi để phát triển khả năng tư duy. Nhiều khi, cha mẹ sẽ "bó tay" khi bị con hỏi khó.
traloicauhoi5.jpg
Nhiều câu hỏi của trẻ khiến người lớn lúng túng. Ảnh minh họa internet.

Tại sao mẹ phải làm việc?

Con thắc mắc việc đó với một loạt các lý do: Không muốn mẹ đi làm, muốn mẹ ở bên bé. Thay vì giải thích: Mẹ phải đi làm để có tiền mua thức ăn, bạn nên thể hiện là bạn hiểu cảm xúc của bé và chuyển cuộc đối thoại sang vấn đề tích cực khác. Bạn có thể nói: “Mẹ biết con không muốn mẹ đi làm. Mẹ luôn nghĩ về con lúc mẹ đi làm. Mẹ sẽ cố gắng về sớm với con”.

Đừng bao giờ nói “mẹ cũng không muốn đi làm” bởi điều đó đưa ra thông điệp “làm việc không có gì thú vị cả”. Có thể nói thêm “mẹ rất thích công việc đang làm”. 

Mọi người có, tại sao con không có?

Trẻ em luôn là những nhà đàm phán khó chịu, chúng luôn muốn đòi hỏi và thuyết phục bạn không ngừng. Bạn không nên nổi giận và cố gắng giảng giải cho chúng hiểu. Bạn nên nói một cách chắn chắn: “Mẹ biết con muốn bộ lego này. Chúng ta sẽ đưa nó vào danh sách quà tặng sinh nhật của con, hoặc con có thể tiết kiệm tiền để mua nó”. Nếu con tiếp tục đòi hỏi, bạn nên tỏ thái độ kiên quyết: “Mẹ sẽ không nói tiếp về vấn đề này nữa”.

traloicauhoi4.jpg
Trẻ thường ghen tị và đưa ra thắc mắc: Tại sao bạn có mà con không có? Ảnh minh họa internet.

Chúng ta có giàu không?

Hầu hết trẻ em không biết “giàu” thực sự nghĩa là gì, và câu hỏi của chúng thực ra là sự so sánh hoặc để chúng cảm thấy an toàn. Hãy cùng thảo luận với con nghĩa của sự giàu có, về vấn đề tiền bạc hoặc là việc lo lắng bố mẹ bị mất việc.

Khi xác định được lý do khiến trẻ thắc mắc, bạn sẽ trả lời chính xác hơn. Nếu tình hình tài chính của gia đình thực sự có vấn đề, bạn có thể nói “chúng ta sẽ chú ý để không chi tiêu lãng phí vào những thứ không cần thiết, con không cần phải lo lắng, bố mẹ sẽ luôn chăm sóc con".

Tại sao không ai thích con?

Rất khó trả lời khi nghe câu hỏi này, bố mẹ cũng không nên phản ứng thái quá hoặc cố gắng loại bỏ cảm xúc của con bằng cách khẳng định: “Đó là điều ngớ ngẩn. Mọi người đều yêu quý con”. Nên khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc và hỏi nguyên nhân tại sao? Bạn cần tìm hiểu xem có những ai gần đây không còn chơi với con. Để biết được thông tin này, bạn có thể hỏi: “Điều gì xảy ra khiến con nghĩ như thế?”. Hoặc bạn cũng có thể trả lời: “Điều đó làm con buồn và tức giận một chút phải không?”.

Hãy chia sẻ với con một số kinh nghiệm thời thơ ấu của bạn để giúp con nhận ra rằng, tất cả mọi người đều có thể bị bạn bè "hít le" một thời gian và mọi người đều sẽ vượt qua được điều đó. Ngoài ra có thể hỏi qua giáo viên để biết có phải chính xác là con đang bị các bạn trong lớp cô lập không?

traloicauhoi2.jpg
Cái chết của người thân cũng khiến trẻ thắc mắc. Ảnh minh họa internet.

Có phải bà sẽ chết không?

Không phải là ý hay khi cố giữ bí mật với trẻ tin người thân bị bệnh nặng hoặc tử vong vì nghĩ con còn quá nhỏ để nghe tin xấu. Trẻ sẽ biết được thông tin khi thấy bạn lo lắng. Nếu bạn không giải thích những gì đang xảy ra, trẻ sẽ nghĩ mọi chuyện là do lỗi của trẻ. Khi bạn phải thông báo tin buồn về người thân đã qua đời hoặc sắp qua đời, hãy chắc chắn bạn có thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Bạn có thể nói: “Bà bị ốm. Chúng ta luôn mong muốn bà sống lâu cùng chúng ta. Mẹ không biết tình hình sẽ thế nào nhưng các bác sĩ sẽ cố gắng hết sức để chữa trị cho bà. Tuy nhiên, cũng có thể bà sẽ không qua được”. 

Con bạn có thể sợ hãi: “Vậy mẹ cũng sẽ chết ư?”. Hãy trấn an trẻ bằng cách: “Còn lâu mẹ mới chết. Mẹ đang rất khỏe mạnh. Mẹ sẽ chăm sóc tốt bản thân và là mẹ của con thật lâu, đến tận lúc con lớn và đi làm”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn