Tôi như cái bị bông, cuộc đời xô dạt từ bên nọ sang bên kia theo những thăng trầm của bố, mẹ. Khi bố mẹ ly hôn, tôi ở với gia đình bên nội. Bố lấy vợ hai thì ông bà ngoại đón tôi về cưu mang.
Một thời gian sau tôi về ở với mẹ hai. Mẹ không có con. Mẹ lo toan cho tôi như con ruột, mẹ của mẹ hai cũng thương tôi, nên tôi gọi bà là bà ngoại. Bà ngoại làm giáo viên, sáng tôi đi học ở trường, tối tôi về học với bà.
Tuổi thơ của tôi bên mẹ hai tuy ngắn ngủi nhưng tôi vẫn còn nhớ hồi đó tôi vui, cuộc sống êm đềm. Mẹ hai cờ bạc nhiều quá, bố chán, bố đưa tôi và anh trai về ở cùng bố. Khi mẹ hai muốn sửa đổi để hàn gắn gia đình thì bố lại đã quen cô ba. Hai anh em tôi ở cùng với bố từ năm tôi học lớp 4.
Năm tôi lên lớp 6, ba bố con tôi chuyển ra sống ở một nơi riêng biệt. Thời kì tăm tối của cuộc đời tôi bắt đầu từ đây. Bố bảo tôi vào phòng ngủ với bố, dù tôi muốn ngủ riêng với lý do "con đã lớn rồi" và tôi bị chính người bố đẻ cướp đi đời con gái.
Có lẽ những nỗi đau giấu kín trong lòng đã khiến tôi thành một kẻ khó ưa. Tôi là tâm điểm của những trò bắt nạt học đường, dù tôi có chuyển trường, chuyển lớp nhiều lần thì ở đâu, tôi cũng là cái gai trong mắt bạn bè. Tôi luôn bị cô lập, tẩy chay.
Bị bắt nạt nhiều quá, tôi quay ra kháng cự và chuyển qua gây chuyện với những bạn yếu thế hơn. Việc tôi bị bắt nạt hay thành kẻ đi bắt nạt đều không khiến tinh thần của tôi tốt hơn lên. Tôi thấy mình như cái cây, bên trong trống rỗng, bên ngoài mọc toàn gai nhọn.
Càng ngày, tôi càng bị nhấn chìm vào những sự bí bách không gì giải tỏa nổi, đau như có ai bóp nghẹt tim. Tay tôi có nhiều vết cứa chằng chịt vì chỉ khi tự làm đau mình, nhìn thấy máu của mình tứa ra, tôi mới thấy dễ thở hơn đôi chút. Cái gai đâm thủng bọc.
Sau nhiều lần tìm đến cái chết không thành, kiệt sức, tôi cảm thấy không còn tâm trí nào để học. Lúc nào tôi cũng trong trạng thái lờ đờ, thèm ngủ.
Một ngày cuối tháng 3, năm lớp 8, tôi xin cô giáo chủ nhiệm cho tôi xuống phòng y tế. Thấy tôi mỏi mệt, cô giáo chủ nhiệm hỏi chuyện. Lúc đầu tôi nói tôi bị chóng mặt buồn nôn. Trước sự ân cần của cô, khi cô hỏi đến lần thứ hai, tôi khóc oà lên.
Bao nhiêu sự kìm nén trong lòng suốt bao năm qua tuôn trào thành nước mắt. Tôi đem chuyện bị bố xâm hại kể với cô giáo chủ nhiệm. Cô lập tức chở tôi đi khám, rồi đưa tôi về nhà cô. Cô muốn tôi ở lại nhà cô một vài hôm để chăm sóc và bảo vệ tôi nhưng bố tôi không đồng ý, đòi đón tôi về. Cô gọi điện báo tin cho mẹ.
Mẹ gọi cho 111 (Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em), chở tôi đi đến địa chỉ mà các cô chú ở Tổng đài cung cấp để lánh nạn. Sau đó bên 111 liên hệ với Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, rồi hai mẹ con được đưa vào sống ở Ngôi nhà Bình yên. Những cuộc thăm khám và lấy lời khai diễn ra dày đặc.
Hồi đó tôi lầm lì, rụt rè, ít nói, suốt ngày khóc, ai động vào là sẵn sàng cáu gắt, ẩu đả, tôi không ngừng nghĩ tới chuyện tiêu cực. Khi có người phỏng vấn, mẹ phải nói hộ tôi. Tâm trí bảo tôi phải nói đi, nói hết ra cho nhẹ đôi phần nhưng miệng tôi như bị dính keo. Dần dần tôi thích những cuộc nói chuyện 1/1 với chuyên gia tâm lý.
Mỗi tuần hai lần, tôi được xe của Ngôi nhà Bình yên chở đến bệnh viện Nhi, gặp những người mặc áo trắng, lúc đó tôi tưởng họ là bác sĩ. Nhìn thấy màu áo trắng, tôi vô cùng yên tâm. Tôi thay đổi từng chút, từng chút một, kiểu như tâm hồn tôi bị dán kín lâu ngày, các chuyên gia tâm lý phải gỡ dần, gỡ dần.
Tôi trở về ở cùng mẹ ruột. Nhưng chưa khi nào tôi được sống trong hạnh phúc. Trải qua nhiều sóng gió, một lần nữa, năm 17 tuổi, một lần nữa tôi quay lại với Ngôi nhà Bình yên.
Lần này, tôi cởi mở hơn, thành thật với bản thân hơn. Tôi bắt đầu nhận ra xung quanh mình còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Nhìn những người mới vào Ngôi nhà Bình yên, sống sợ hãi, yếu đuối, khép kín, tôi như nhìn thấy hình ảnh của mình những năm trước đây.
Nhìn họ, tôi thấy mình may mắn, vì tôi đã bước ra khỏi vỏ bọc của mình, tôi dần kiểm soát được cảm xúc, vượt qua nỗi sợ, và học cách đồng hành chia sẻ buồn vui với mọi người.
Tôi xác định phải học nghề để sống, vì tôi không còn trông chờ được vào người thân nào nữa. Nhờ Ngôi nhà Bình yên giới thiệu, tôi được chuyển qua một Trung tâm Dạy nghề tại Hà Nội dành cho thanh thiếu niên lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ở thời điểm tôi kể câu chuyện này, tôi đang là học viên của Trung tâm. Vừa học vừa làm, tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người khác: tôi có sức khỏe, ngoại hình ưa nhìn, có trí tuệ đủ để tiếp nhận thêm nhiều kiến thức mới.
Gặp lại tôi, các anh chị, cô bác ở Ngôi nhà Bình yên nói rằng trông tôi khác hẳn, họ nói tôi trưởng thành hơn, bình tĩnh, chín chắn và cảm xúc hơn.
Tôi ước gì đất nước mình có được nhiều ngôi nhà như Ngôi nhà Bình yên, không chỉ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại hay mua bán trở về, mà còn có Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ nam giới và trẻ em trai bị rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tôi ước gì những tâm hồn bị tổn thương được chữa lành.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn