Bí mật tình mẫu tử trên những chuyến bay

17:00 | 10/12/2016;
Ít ai còn viết thư tay nhưng Thái Kim Lan đã chọn cách ấy để viết gửi con trong các cung đường bay ngắn hay dài. Người ta sẽ nghĩ gì về việc làm ấy? Kỳ lạ hay quá mùi mẫn, ướt át? Riêng tôi cảm thấy thiêng liêng run rẩy dù thư đó không phải dành cho tôi.

Tôi chưa từng làm mẹ. Nhưng tôi có một người mẹ yêu thương con vô cùng vô tận. Đó là một goá phụ quê mùa, cả đời chỉ biết làm lụng nuôi các con ăn học, không biết nhiều chi đến nơi tân kỳ đô hội, không biết nhiều chi đến văn chương chữ nghĩa. Đời mẹ chỉ nhiều nỗi buồn và nỗi thương con.  

Nói thế e hơi quan liêu, bởi người mẹ nào mà chẳng thương yêu đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Đứa con chính là sự hiện diện chói sáng và thiêng liêng nhất của đời người đàn bà trên cõi trần ai này. Trong vòng quay sinh học của người nữ, từ khi sinh ra làm một ấu nhi đến khi thành thiếu nữ, làm vợ, làm mẹ, và cuối cùng là làm ma nhà chồng thì có lẽ, làm mẹ chính là giai đoạn hạnh phúc và tự chủ nhất. Họ mang chức năng sản sinh ra con người, duy trì nòi giống và ảnh hưởng quyết định đến ý nghĩ sơ khai của đứa trẻ. Ký ức tuổi thơ giàu sang hay nghèo khó có thể bị mai một dần dà, nhưng hơi ấm của người mẹ, bàn tay của người mẹ, chiếc thơm má cưng nựng của người mẹ vẫn còn nguyên trong trí nhớ, để một mai người con đủ lông đủ cánh bay xa vẫn không thôi nhung nhớ mà có lúc mệt mỏi trên quá trình lập thân sẽ tự điền mình vào hơi ấm và bàn tay ấy để được tiếp thêm sức mạnh. 

Bao nhiêu đó là sự mang nặng đẻ đau. Bao nhiêu đó là sự chịu đựng trong bóng tối của người mẹ để con mình được an vui giữa ánh sáng. Bao nhiêu là niềm hy vọng và tự hào của người mẹ, và dẫu cho con đã thật cao lớn trưởng thành nhưng con vẫn là một hài nhi bé bỏng, thật bé bỏng, ngây dại, thật ngây dại của mẹ. Và dẫu cho trong mắt kẻ khác, đứa con có xấu xa kém cỏi thế nào thì với mẹ, con luôn là một người đàng hoàng đĩnh ngộ. Bởi lý do của người mẹ đơn giản lắm, rằng mẹ có lòng tin ở đứa con của mình. 

Tin ở con một cách vô điều kiện. Đó là kiểu yêu thương chỉ có ở người mẹ. Từ việc tin mà mẹ bảo vệ, che chắn, tự hào và ngược lại, cũng từ đó mà người mẹ dựa vào đứa con để có sức mạnh vượt qua nhiều thử thách. Tin ở con rồi dựa vào con như một nguồn năng lượng để sống, chính là minh chứng thường hằng về bản năng làm mẹ của người phụ nữ, và chỉ có trong quan hệ mẹ - con, điều này mới trở thành chân lý.  

Tôi đã thêm một lần được chiêm nghiệm điều ấy khi đọc Thư gửi con của Thái Kim Lan. Cái tựa sách thật mộc, chẳng hề chạm chi đến nghệ thuật tu từ hay sự đỏng đảnh của ngôn ngữ nhưng lại có sức chứa đựng thật lớn.

th_-g_i-con-nxb-h_i-nh_-v_n-_n-h_nh-2012.png
Thư gửi con, là lời thủ thỉ ân cần, yêu thương và run rẩy của nhà giáo Thái Kim Lan dành cho cô con gái bé bỏng của mình.

Đó là kiểu yêu độc tôn một cách dễ thương, tự nhiên, không thể hoán đổi hay gợn chút phân vân giữa người trao và người nhận. Và sự gửi con (chứ không phải cho con) là tất cả sự chắt chiu chữ nghĩa và cảm xúc vừa như sở hữu nhưng lại vừa bình đẳng của mẹ dành cho con. Mẹ muốn coi con như một đứa trẻ luôn cần chăm bẵm bảo vệ nhưng cũng nghĩ con như một người bạn đường tin cậy nhất của mẹ trong những chuyến đi xa. 

Thái Kim Lan đã viết thư ấy trên những chuyến bay của mình. Người ta sẽ nghĩ gì về việc làm ấy của bà? Kỳ lạ hay quá mùi mẫn ướt át? Bởi đời sống thực tế ít ai làm cái việc lích kích và đau đầu chữ nghĩa ấy trong các cung đường bay ngắn dài. Riêng mình, tôi cảm thấy thiêng liêng và run rẩy dù những lá thư ấy chẳng phải được dành cho tôi. Tôi mừng cho cô con gái có một người mẹ như vậy. 

th_i-kim-lan-2.jpg
Người ta có thể viết thư cho con khi ngồi nghiêm ngắn ở bàn hay những khi có việc quan trọng nhưng Thái Kim Lan lại viết thư gửi con gái khi sấp ngửa trên những cuộc đi, thì có nghĩa, lòng người mẹ khi ấy chỉ hướng về một nơi duy nhất - đứa con. 

Đọc thư mà thấy yêu cái tình của người mẹ. Bắt đầu thư bao giờ cũng cưng nựng đến độ "Con thương yêu của mẹ" và kết thư là "Mẹ của con" thể hiện sự sở hữu, sự thuộc về, sự ở trong nhau của hai con người ấy. Đứa con chính là sức mạnh để người mẹ vượt qua cảm giác đơn độc lênh đênh trên các cuộc đi. Đồng thời cũng là niềm hy vọng và đâu đó trong những phút giây độc hành, hình ảnh đôi má hồng hào thơm tho ấy sẽ khiến lòng mẹ run lên cảm giác hạnh phúc về ngày gặp lại. Điều ấy, chừng như chỉ có thể thấu hiểu trong im lặng mà thôi. 

Để rồi, sau tiếng "Mẹ của con" là bạt ngàn lối đi dẫn vào con tim và mạch máu của đứa con gái nhỏ. 

Bí mật của tình mẫu tử không phải nằm ở sự tạo ra một con người mà chính là vì con, núi thiêng trong lòng mẹ đã mọc. Núi thiêng ấy chính là nơi nuôi nấng bản năng giống cái của người mẹ như sự hi sinh, sự bảo bọc, sự nhạy cảm và đức nhẫn nại. Cho nên, Thư gửi con dẫu chỉ là câu chuyện riêng của hai mẹ con TS. Thái Kim Lan nhưng lại đủ sức bao hàm cả một thế giới phụ nữ ở trong ấy. Một thế giới tràn ngập tính nữ và ái quyền. Tính nữ, trong nghĩa sinh nở và thai giáo đứa con bằng tiếng Việt, bằng điệu hò xứ Huế của người mẹ Việt ở trời Tây. Và ái quyền, là quyền năng của người mẹ trong việc thể hiện tình yêu với con của mình. Tính nữ là giá trị và phẩm hạnh. Ái quyền là rung động và nhạy cảm. Hai điều ấy riêng chịu nhau, tạo thành nguyên khí của tình mẹ. 

Bởi vậy xuyên suốt tác phẩm là sự tận hiến của người mẹ dành cho con. Thật khó để điềm nhiên lật sang trang khác khi mà không dừng lại ít phút để ngẫm về nỗi "nghiện con" ẩn sâu trong từng cái ôm của người mẹ. Hoặc chỉ đơn giản là muốn về nhà thật nhanh để nấu cho con một bữa ăn. Tôi thương điều ấy, trong nghĩa thương yêu ái mộ. Và tôi thương những chuyến cuộc và sự lên đường của người mẹ khi băn khoăn câu hỏi "Mình đi hay về?".  

Bóng dáng của người mẹ khi ấy rất buồn nhưng vô cùng đẹp đẽ. Và mắt mẹ như một dòng sông. 

Thương những dòng chữ mà người mẹ ấy riêng gửi cho con mình. Vừa đọc như vừa được trôi trên một dòng sông, du dương, êm ả, dẫn ta về phía hạ nguồn. Cây bên bờ xanh xao nhỏ lệ, đâu đó có tiếng hò kéo lưới thấp thoáng dáng ai. Văn của người phụ nữ ấy là thế, không động mà tĩnh nhưng đủ sức nhấn chìm mọi cảm xúc đang trôi nổi trong lòng người đọc. Cẩn trọng và nồng nàn, đẹp như trăng mà cũng buồn như trăng, mắt tôi héo rũ như hoàng hôn phố cổ mỗi khi đọc lá thư bà viết cho con gái khi về thăm mộ mạ ở Huế. Khi ấy, tôi tưởng như bà đã quên mất tuổi mình. 

Nên từ thương mà tôi cảm thấy may mắn và biết ơn tác giả khi đã quyết định xuất bản cuốn sách này. Đọc để thêm tin yêu vào tình mẫu tử. Đó là thứ ánh sáng nguyên khiết, thủy chung và vĩnh hằng nhất trên đời. Đọc để thêm yêu và biết ơn người mẹ quê mùa của tôi. À thì ra mẹ tôi cũng yêu tôi như thế đấy nhưng chỉ là không viết ra được mà thôi. Và thú thực, khi gập lại cuốn sách này, tôi đã khóc vì thương mẹ.  

Thư gửi con cũng không chỉ đơn thuần là thư gửi con mà là hiện thân của một tình yêu thương tuyệt đối, không đổi – tình mẫu tử. Cảm ơn tác giả Thái Kim Lan đã tặng cho bạn đọc một lá thư mộc mạc mà sâu sắc đến vậy. Một lá thư mà bất cứ đứa con nào dù có trưởng thành hay giỏi giang đến mấy cũng muốn được bé bỏng mãi trong vòng tay của mẹ. 

th_i-kim-lan-1.jpg
TS. Thái Kim Lan, sinh ra tại Huế, du học sinh tại Đức từ 1965. Nguyên là giảng viên Triết học tại Đại học Tổng hợp Ludwig, Maximilian, Munich thuộc CHLB Đức, GS thỉnh giảng tại Học viện Phật học thành phố Hồ Chí Minh và Viện Phật học Huế. Chủ tịch Hội Giao lưu Đức – Á (từ 1980 đến nay). Giải thưởng Đào Tấn 2005 và Vinh danh nước Việt 2006. Các tác phẩm đã xuất bản:  Lạnh hơn xứ mình (thơ song ngữ Việt – Đức, 2007); Thư gửi con (NXB Hội nhà văn, 2012);  Đốt lò hương ấy (NXB Hồng Đức, 2015) Cùng nhiều tiểu luận về triết học, tôn giáo và hàng trăm tùy bút, ký sự, bản dịch chuyển ngữ khác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn