Theo International Egg Commission (Uỷ ban Trứng Quốc tế) mỗi năm, trung bình một người Nhật ăn khoảng 320 quả trứng. Với số lượng này, Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ trứng nhiều thứ 3 thế giới. Trứng được chế biến trong nhiều món ăn của người Nhật. Ngoài nổi tiếng với món cơm trộn trứng sống (Tamago Kake Gohan), người dân ở đây còn thưởng thức món thịt bò nhúng trứng sống (Sukiyaki), sushi trứng sống hay mì xào trứng sống.
Cơm trộn trứng sống là món ăn sáng phổ biến của người Nhật Bản.
Sushi trứng sống.
Đối với nhiều quốc gia, ăn trứng sống là điều cầm kỵ bởi dễ dẫn đến ngộ độc do nhiễm khuẩn Salmonella. Tình trạng này có thể dẫn đến đau bụng, sốt, tiêu chảy kéo dài thậm chí có thể tử vong. Vậy tại sao người Nhật vẫn có thể thoải mái ăn trứng sống mà không bị ngộ độc? Một số người nói vui cơ thể người dân Nhật Bản kháng khuẩn tốt hơn nhưng sự thật không phải vậy.
Tại Nhật Bản, những quả trứng sống trước khi đem ra thị trường tiêu thụ phải thông qua quy trình sản xuất và kiểm tra nghiêm ngặt (thường quét bằng tia UV). Hầu hết cơ sở đều có hệ thống băng chuyền, máy móc phức tạp để đảm bảo trứng không bị nhiễm khuẩn salmonella. Như các trang trại nuôi gà đều có những biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập của côn trùng và các loài động vật khác. Công nhân tại những cơ sở này được yêu cầu phải mặc đồ bảo hộ khi vào khu vực chuồng gà nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm các mầm bệnh từ con người sang gà. Để giữ cho gà khỏe mạnh và sản xuất trứng tốt, chúng được ăn một chế độ đặc biệt với lượng vitamin phong phú.
Trước khi đem trứng đến tay người tiêu dùng, mỗi quả trứng sẽ được khử trùng và kiểm ta các sai sót như vết nứt, vết bẩn và máu. Nếu bất kỳ quả nào không đủ tiêu chuẩn sẽ bị loại bỏ ngay lập tức. Bằng những cách này, nhà sản xuất muốn đảm bảo trứng không bị nhiễm khuẩn Salmonella.
Đặc biệt, bạn có thể dễ dàng nhận thấy trứng đóng hộp ở Nhật thường có hạn sử dụng bao gồm ngày thu gom và thời gian ngon nhất (sau ngày này bạn chỉ có thể ăn chín), số seri trại gà (khi người ăn nếu gặp vấn đề sẽ sử dụng số seri này để tìm ra trang trại trứng). Theo Hiệp hội các nhà sản xuất trứng Nhật Bản, nếu không bị hư hại và được bảo quản đúng cách, trứng có thể ăn sống trong vòng 16 ngày sau khi đẻ vào mùa hè và lên đến 57 ngày vào mùa đông. Sau khoảng thời gian này, các nhà nghiên cứu khuyến cáo, bạn nên sử dụng trứng chín.
Để hạn chế khả năng nhiễm khuẩn, các gia đình Nhật Bản sẽ chỉ ăn một hộp trứng trong vài ngày sau khi mua về. Chủ các cửa hàng tạp hóa cũng cố gắng bán hết trứng chỉ trong 1 tuần trước ngày hết hạn.
Theo Japan Times, khoảng 2.500 năm trước, người Nhật chỉ sử dụng trứng với mục đích y học và cúng tế. Vì họ tin rằng đây là món quà của các vị thần, ăn trứng có thể bị trừng phạt. Mãi đến thời Edo, việc ăn trứng mới thực sự được chấp nhận, mặc dù nó vẫn là món hàng xa xỉ. Ngay cả vào đầu thế kỷ 20, trung bình một người Nhật chỉ sử dụng 40 quả trứng trong một năm.
Mãi cho đến Thế chiến thứ 2, việc tiêu thụ trứng ở quốc gia này mới thực sự phát triển. Là thực phẩm giàu protein và canxi giúp cải thiện sức khoẻ, Chính phủ và các phương tiện truyền thông đã khuyến khích người dân sử dụng trứng. Kể từ đó, trứng trở thành một thực phẩm quan trọng trong mỗi gia đình người Nhật.
Người đầu tiên ăn trứng sống là Ginko Kishida (1833-1905). Ông thường đập 3-4 quả trứng lên bát cơm chín của mình và giới thiệu với mọi người cách ăn độc đáo này. Cơm trứng sống dần phổ biến trong cộng đồng người Nhật. Tuy nhiên, món này chỉ sự "bùng nổ" vào đầu những năm 2000 khi loại nước tương ăn kèm ra đời. Rong biển cũng thường được sử dụng cùng. Những người thích ăn hải sản có thể ăn kèm cùng shirasu (cá trích Đại Tây Dương). Tuy nhiên, việc tự làm món ăn này với trứng không được sản xuất tại Nhật Bản không được khuyến khích.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn