Biến thời gian rảnh rỗi của các con bận rộn với nhiều hoạt động ý nghĩa
Chị Thảo Khuyên, người mẹ có 2 con Minh Khoa 17 tuổi và Minh Nhật 13 tuổi ở TP Hồ Chí Minh, tâm sự: Tôi cũng như bao người mẹ khác, đều muốn các con mình không bị game dụ dỗ trong kỳ nghỉ hè, bởi bố mẹ vẫn phải đi làm, không thể quản lý hết hành vi của các con lúc ở nhà nhiều ngày, có nhiều thời gian rảnh, dễ sa đà vào các trò chơi điện tử.
Trong nhiều năm qua, tôi đã làm nhiều cách để vừa đi làm, vừa vẫn quản lý các con ở nhà trong kỳ nghỉ hè, như "tạm thu" điện thoại, hướng các con tới hoạt động rèn luyện thể chất, bồi dưỡng tâm hồn cho các con. Cụ thể, ngay khi kỳ nghỉ hè bắt đầu, tôi đăng ký cho các con tham gia các khoá học ngắn hạn ở trung tâm như võ thuật, bơi, bóng rổ, mỹ thuật, cờ vua… Tùy vào năng khiếu, sở thích và độ tuổi của các con.
Tôi cũng không quên mang về nhà cho các con những cuốn sách hay, hấp dẫn phù hợp độ tuổi của con và đề nghị các con đọc trong mấy ngày phải xong. Sau đó, yêu cầu con kể lại nội dung sách đó cho mẹ nghe, hoặc con có thể viết cảm nhận về cuốn sách vào trang giấy để mẹ đọc và cùng con phân tích cái hay, cái có thể học được ở cuốn sách, cũng như những điều chưa hay ở cuốn sách này. Những việc này, vừa như phần thưởng, vừa như nhiệm vụ của con được giao, đã khiến con quên thời gian… chơi điện tử.
Ngoài thời gian rèn luyện thể chất, 2 con tôi lại đều đam mê học đàn. Cậu lớn có sở thích chơi Violin, cậu bé lại thích Piano. Tôi cho con lớn đến trường học nhạc theo lớp, còn cậu bé tôi cho cô giáo đến nhà dạy con thêm tuần 2 buổi. Vì là sở thích của các con, nên dù học ở lớp hay ở nhà, các con đều say mê, yêu thích học đàn.
Còn gì bằng sau mỗi ngày đi làm về mệt mỏi, các con tôi kể cho mẹ nghe về cuốn sách vừa đọc xong, đàn cho mẹ nghe bản nhạc con vừa mới tập, hoặc năn nỉ mẹ làm "giám khảo" để chứng kiến 2 anh em con đấu cờ vua, thi luyện đối đáp tiếng anh.
Chỉ khi bố mẹ ở nhà mới phát wifi cho các con cùng vào mạng
Gia đình có 3 con đang ở độ tuổi cấp 2, cấp 3, để các con không bị thế giới game mê hoặc, chị Nguyễn Thị Diệp (Bình Dương) chia sẻ: Gia đình tôi không lắp wife trong nhà, mà chỉ cài 4G cho máy của bố và mẹ. Khi nào bố mẹ có nhà thì phát 4G cho con dùng, lúc đó bố mẹ sẽ kiểm soát được các con học hay chơi. Những lúc bố mẹ không có nhà, con không có kết nối mạng để chơi.
Bên cạnh đó, vợ chồng tôi yêu cầu các con không đặt pass trên điện thoại của các con. Nếu máy của con đặt pass thì bố mẹ phải biết pass. Lý do là bố mẹ có thể kiểm tra xem con có tải game hay tải những nội dung xấu về để chơi hay xem khi vắng bố mẹ không. Sự kiểm tra này là đột xuất và có sự chứng kiến của con.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có lịch cho các con chơi game vào ngày cuối tuần và quy định rõ các con chỉ được chơi 2 tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng phải hướng các con sang những mối quan tâm khác ngoài việc học hay chơi game như: cho các con học các môn rèn luyện thể lực như võ, múa, nhảy; hay các môn con có năng khiếu như nhạc, vẽ, diễn kịch....
Dù vậy, bố mẹ cũng phải làm gương cho các con, bố mẹ cũng không chơi game. Nếu lỡ có mê trò gì thì xếp lịch chơi cùng các con vào ngày cuối tuần. Khi ở nhà cùng các con, vợ chồng tôi đều bỏ máy điện thoại xuống, dành thời gian trò chuyện với con, hướng con tới những điều cần quan tâm khác ngoài game. Mỗi khi có điều kiện, vợ chồng tôi đưa con ra ngoài chơi, đi vận động cùng con, hay chí ít cũng xem con vận động thế nào?
Mỗi khi có những vụ việc đau lòng về game xảy ra ngoài xã hội, vợ chồng tôi thay nhau dành thời gian cuối tuần đó để nói chuyện với các con về vụ việc, rồi phân tích mặt tích cực cũng như mặt tiêu cực của game, của mạng xã hội. Những chiêu này mưa dầm thấm lâu, các con rồi sẽ hiểu dần những lo lắng và nguyên tắc của bố mẹ mà nghe theo.
Dù con đi đâu, làm gì cũng luôn giữ liên lạc, kết nối với bố mẹ
Chị Nguyễn An Na, ở Từ Liêm (Hà Nội) có 2 con gái, 14 tuổi và 6 tuổi chia sẻ: Nhà tôi treo biển ở phòng của 2 con có ghi rõ: Sử dụng điện thoại, máy tính, ti vi trong nhà phải xin phép bố mẹ. Vi phạm 1 lần sẽ khiển trách, không xét thưởng. Vi phạm lần 2 sẽ bị bố mẹ mắng. Vi phạm lần 3 con sẽ bị roi. Vi phạm lần 4 sẽ cho nghỉ học.
Ra quy định cứng rắn thế, nhưng các con cứ điện thoại xin phép là bố mẹ đồng ý thôi. Chỉ đợt nào thi thì hạn chế cho các con xem ti vi, điện thoại, máy tính. Còn bình thường, bố mẹ cũng giao nhiệm vụ cho chị giám sát em, em giám chị để mách bố mẹ.
Ngoài ra, vợ chồng tôi cũng mua nhiều sách, truyện, cờ, đàn… để các con có nhiều trò chơi khi nghỉ hè hoặc nghỉ học ở nhà cuối tuần. Con lớn nhà tôi thích viết thư pháp, say mê thư pháp, nên phần thường cho con lớn bao giờ cũng là bút, mực và giấy viết thư pháp, thứ mà con rất cần.
2 chị em cũng thích đánh cờ vua, biết chơi cờ tướng, đánh cờ uno, chơi tú lơ khơ. Mỗi khi bố mẹ đi làm, con ở nhà sẽ được bố mẹ giao việc cụ thể, để con không có thời gian chú ý đến điện tử. Ví như cô chị phải phụ trách rửa bát, dọn nhà, phơi quần áo, cất gấp quần áo. Cô em phải trông robot lau nhà, xếp giầy dép gọn gàng.
Những kỳ nghỉ hè, bố mẹ cũng cho 2 chị em đi học võ, học đàn, học tiếng anh. Dù học bất cứ môn gì thì bố mẹ cho 2 chị em đi cùng nhau luôn. Tuy 2 chị em khác độ tuổi, nhưng vợ chồng tôi vẫn để chúng cùng có bạn chơi cờ, cùng nhau đi học võ, cùng làm việc nhà, cùng xuống hiệu sách chọn mua quyển sách mình thích. Dù con đi học ở đâu, nếu học ở gần nhà thì cô chị dẫn cô em đi và luôn giữ kết nối liên lạc với bố mẹ. Bố mẹ yêu cầu các con đi đâu cũng phải điện thoại hoặc nhắn tin cho bố mẹ. Làm gì cũng phải báo cáo bố mẹ. Dù không đi cùng con, nhưng bố mẹ biết hết thông tin và mọi việc con đang làm.
Học tiếng anh thì mẹ đặt xe sẵn đón 2 chị em đến trung tâm. Chị học lớp chị, em học lớp em, học xong thì 2 chị em lại gọi cho mẹ để lên xe về nhà.
Khi bố mẹ về muộn, cô chị có thể nấu cơm cho em ăn, rồi cùng chơi, cùng học với nhau. Như thế, bố mẹ vừa quản lý con chặt chẽ, vừa đảm bảo con không sa đà vào game được.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn