Tờ "Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng" của Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 11/9 đưa tin, một trường tiểu học ở tỉnh Vân Nam, vùng tây nam Trung Quốc, mới đây báo cáo rằng không có học sinh nào bị cận thị.
Sun Fubiao - Hiệu trưởng trường tiểu học Wantang ở Vân Nam - cho biết: "Tôi thường nói với các học sinh rằng đeo kính rất bất tiện. Tôi cho các em xem những bức ảnh mờ ảo và cũng để các em trải nghiệm cảm giác khi đeo kính. Tôi luôn tin rằng việc bảo vệ thị lực của học sinh là món quà tuyệt vời nhất mà chúng tôi – những giáo viên đeo kính – dành cho các em".
Trường tiểu học Wantang yêu cầu các em học sinh tham gia hoạt động ngoài giữa mỗi tiết học. Ảnh: The Cover
Ông Sun cho biết, trường của ông cố gắng để để học sinh tham gia hoạt động ngoài trời ít nhất 3 giờ mỗi ngày, trái ngược hoàn toàn với các trường học điển hình ở các thành phố Trung Quốc, nơi các học sinh nhỏ tuổi thường không được phép ra ngoài trời trong giờ nghỉ giải lao.
"Chúng tôi yêu cầu tất cả học sinh rời khỏi lớp học sau mỗi tiết học. Đối với những học sinh không thích thể thao, chúng tôi vẫn khuyến khích các em ra ngoài và đi bộ xung quanh", giáo viên Yang Qingyi cho biết.
Mặc dù trường tiểu học Wantang có cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng các giáo viên của trường luôn nỗ lực sáng tạo để khơi gợi hứng thú của học sinh với hoạt động thể chất.
"Nếu bạn muốn biết bất kỳ bí quyết thành công nào của chúng tôi để không có trường hợp cận thị nào, thì bí quyết đầu tiên là tập thể dục ngoài trời nhiều", hiệu trưởng Sun nói.
Nhà trường cấm các thiết bị di động, yêu cầu học sinh sử dụng điện thoại công cộng để liên lạc với phụ huynh. Ảnh: The Cover
Tiến sĩ Chow Pak-chin - cựu chủ tịch Trường cao đẳng bác sĩ nhãn khoa Hồng Kông, đồng thời là phó giám đốc Liên minh bác sĩ nhãn khoa khu vực Greater Bay (Hồng Kông) - nói với phóng viên tờ "Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng" rằng, cách tiếp cận của trường Wantang tuân theo nguyên tắc khoa học.
Ông Chow cho biết, nhiều nghiên cứu từ cả Trung Quốc và các nơi khác đã chỉ ra rằng, các hoạt động ngoài trời có thể làm chậm sự phát triển của tật cận thị.
"Ở môi trường ngoài trời, mắt được thư giãn hơn so với khi ở trong nhà. Tia cực tím trong ánh sáng mặt trời sẽ giúp tạo ra vitamin D, có ích cho sự phát triển của màng cứng (lớp ngoài cùng màu trắng của nhãn cầu). Thêm vào đó, ánh sáng mặt trời sẽ kích hoạt sự tiết ra dopamine - một loại hormone quan trọng đối với sức khỏe của đôi mắt", ông Chow lý giải.
Ông Chow cũng cho biết, rất khó để các trường học ở Đông Á đảm bảo ít nhất hai giờ hoạt động ngoài trời do áp lực học tập không cân bằng đối với học sinh.
"Chúng ta cần đạt được sự cân bằng giữa học tập và sức khỏe cá nhân", ông Chow nói.
Theo tờ "Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng", trường tiểu học Wantang ở Vân Nam là trường nội trú nên cũng có thể giám sát các hoạt động như ngủ nghỉ của học sinh. Nhà trường yêu cầu học sinh của mình ngủ khoảng 10,5 giờ mỗi ngày, nhiều hơn nửa giờ so với khuyến cáo của cơ quan giáo dục quốc gia Trung Quốc về giấc ngủ tối thiểu của học sinh tiểu học.
Tỷ lệ cận thị ở Trung Quốc cao, với 36% học sinh tiểu học bị cận thị. Ảnh: The Cover
Nhà trường cũng cấm học sinh mang bất kỳ thiết bị kỹ thuật số nào đến trường và yêu cầu học sinh sử dụng điện thoại công cộng để liên lạc với gia đình.
"3 giờ tập thể dục ngoài trời mỗi ngày, ngủ 10 tiếng rưỡi, trồng nhiều cây xanh trong trường, không sử dụng điện thoại di động và cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn của học sinh. Có lẽ tất cả những yếu tố này đã góp phần tạo nên thị lực tốt của các em", hiệu trưởng Sun nói.
Thống kê từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho thấy, vào năm 2018, tỷ lệ cận thị ở trẻ em và thanh thiếu niên ở nước này là 53,6%. Đối với học sinh tiểu học, tỷ lệ này là 36%, trong khi 72% thiếu niên và 81% học sinh trung học bị cận thị.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn