Được đánh giá cao về tính cương trực, thẳng thắn, chị Trần Hoàng Hà (sinh năm 1989 tại Hà Nội) không thể ngờ thói quen "nói thẳng như ruột ngựa" của mình có thể gây ảnh hưởng tới cảm xúc của người khác như thế nào. Phải đến khi, người bạn chơi thân hồi cấp 3 của chị, sau nhiều lần kìm nén cảm xúc, đã nói với chị rằng những lời chị vừa thốt ra như cú tát vào mặt người đối diện. Mặc dù cô bạn không giận lâu nhưng câu chuyện đó đủ khiến chị suy nghĩ rất nhiều.
Chị quyết định hỏi các bạn, người thân xung quanh xem họ có cảm nhận tương tự về vấn đề này không. Không nằm ngoài dự đoán, phần lớn trong số người được hỏi cho biết, họ đề cao tính trung thực của chị nhưng có không ít lần họ cảm thấy bị "tụt cảm xúc" khi những góp ý của chị quá thẳng thừng. Mặc dù vậy, vì mối quan hệ thân thiết nên họ thường bỏ qua, thay vì cho chị hiểu cảm xúc thật của mình.
Đã có khoảng thời gian, chị Hoàng Hà dè dặt, ít nói hơn, vì sợ lời nói của mình có thể vô tình khiến người xung quanh không thoải mái. Hậu quả là chị càng cảm thấy trăn trở hơn, bởi trong sâu thẳm, chị phải kìm nén, không thể bộc lộ thoải mái suy nghĩ của mình. Sau cùng, như một cái duyên, chị Hoàng Hà tìm thấy lời giải cho "bài toán" của chính mình, khi bắt đầu làm việc ở một công ty truyền thông. Ở môi trường làm việc mới, chị Hà dần học cách đối thoại, giao tiếp linh hoạt với khách hàng ở mọi độ tuổi, đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong quá trình giao tiếp, chị đã nhận được nhiều góp ý của đồng nghiệp và các anh chị quản lý để điều chỉnh lời ăn tiếng nói của mình. "Ngành truyền thông khiến tôi nhận ra, cùng một câu chuyện ẩn chứa thông điệp nào đó, chúng ta có vô vàn cách truyền tải tới đối tượng của mình. Việc lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp tích cực hay tiêu cực, trẻ trung, dí dỏm hay thông minh, chín chắn, là lựa chọn của mình".
Sau hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông, marketing, chị Hoàng Hà dần hoàn thiện kỹ năng giao tiếp của mình, để vừa tạo thiện cảm cho người đối diện, vừa thoải mái thể hiện điều mình muốn nói. Từ câu chuyện thay đổi của bản thân, chị Hà đã đúc rút ra 6 điều giúp mình nói thẳng mà không làm mất lòng người khác:
1/ Tránh chỉ trích người khác và tập trung vào việc thảo luận về vấn đề cụ thể hoặc hành động cần cải thiện. Ví dụ, nếu bạn muốn đề cập đến một điểm yếu của người khác, đừng nên thẳng thừng phê phán điểm yếu đó mà tập trung vào những lời khuyên giúp họ cải thiện nó.
2/ Có thể sử dụng đại từ nhân xưng "chúng ta" thay vì "tôi" để bày tỏ quan điểm của mình. Điều này giúp truyền tải thông điệp đến người khác hiệu quả hơn.
3/ Tránh sử dụng từ ngữ cực đoan khiến người khác cảm thấy bị tấn công. Thay vì sử dụng cụm từ như "đừng", "không bao giờ", hãy sử dụng những từ ngữ tích cực hơn như "nên" hoặc "có đôi khi bạn cần...".
4/ Hãy lắng nghe nhiều hơn, thể hiện sự tôn trọng quan điểm của người khác, chỉ nên đưa gợi ý, thay vì áp đặt người khác phải làm theo lời khuyên của mình.
5/ Có thể thử đặt mình vào địa vị người đối diện để hiểu được nhu cầu, mong muốn của người đó. Đây là cách chúng ta có thể hiểu phần nào tại sao những câu nói mà mình cảm tưởng như vô hại lại có thể gây ảnh hưởng tới cảm xúc của người đối diện.
6/ Hãy thử bắt đầu với một câu hỏi, thay vì câu mệnh lệnh.
"Giao tiếp thông minh không có nghĩa là mình phải sống giả tạo, hay cố gắng nói những lời hoa mỹ để làm hài lòng người khác. Chúng ta hãy luôn là chính mình nhưng ở một phiên bản tinh tế hơn!", Trần Hoàng Hà
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn