Thời gian gần đây, trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái gặp rất nhiều nguy cơ như bị bạo lực hoặc xâm hại, quấy rối… Nhiều trẻ hoảng loạn, nhiều gia đình lo sợ. Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, chính các vụ việc xảy ra liên tục, chính các con số khủng khiếp đã khiến các cha mẹ sợ hãi. Và họ đã truyền sự sợ hãi ấy đến con trẻ.
Các cha mẹ hãy nhìn theo hướng, những con số cho thấy các nạn nhân đã biết lên tiếng chứ không sợ hãi như trước đây, dù bị xâm hại mà không dám nói. “Các cha mẹ nhìn con số đừng quá đau lòng mà yên tâm rằng có nhiều kênh lắng nghe, chia sẻ, yên tâm rằng có một nơi để mình lên tiếng. Các cha mẹ cần tuyền cho con sự dũng cảm chứ đừng gieo vào đầu con sự sợ hãi khiến đứa trẻ luôn bị động, lo sợ. Các cha mẹ nên nhắc con kẻ xấu sợ hãi chúng ta, vì kẻ xấu sợ hãi nên chúng luôn nói đừng nói với ai, đừng nói với bố mẹ”, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ
Nhà báo Hoàng Anh Tú cũng nhắc các cha mẹ nên dành nhiều thời gian để đọc sách, lên mạng để tìm các thông tin để có thể chia sẻ với con. Khoảng thời gian bên cạnh con, trò chuyện cùng con rất có ý nghĩa. “Những vụ việc xảy ra trong cuộc sống sẽ giải quyết được nếu cha mẹ dành thời gian chất lượng cho con”, nhà báo Hoàng Anh Tú khẳng định.
Nhiều cha mẹ cố gắng làm bạn với con để con có thể tin tưởng chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Nhà báo Hoàng Anh Tú cũng vậy, anh chơi tất cả các trò chơi cùng con, kể cả chơi game. Hàng ngày anh nói chuyện, chia sẻ chuyện tình yêu cùng con như một người bạn. “Thế nhưng, khi con bị bạn bè tẩy chay, đó là một trong những khó khăn trong cuộc sống của con, con lại không chia sẻ với bố. Người con tin tưởng chia sẻ lại là bà nội. Mỗi đứa trẻ đặt niềm tin vào một người. Con cảm thấy xấu hổ khi chia sẻ với bố vì được bố dạy nhiều mà vẫn bị bạn bè tẩy chay”.
Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, câu chuyện đặt ra là làm thế nào để con lên tiếng dù cha mẹ đã cố gắng làm bạn với con. “Nhiều phụ huynh tự hào rằng mình là người bạn thực sự của con, con sẽ không bao giờ giấu mình chuyện gì. Tuy nhiên, thực tế, với đa phần bố mẹ, việc làm bạn với con thất bại vì chẳng có bố mẹ nào làm bạn với con mà khi con vừa ăn vãi đã mắng con. Trái tim của cha mẹ rớt ra ngoài khi con gặp vấn đề do con sơ ý. Bố mẹ thường không bình tĩnh được trước những vấn đề của con. Bạn bè thực sự thì không ứng xử như bố mẹ. Chính vì thế, cần phải có nhiều kênh để con chia sẻ, như ông bà, bạn bè, đó là người mà con tin tưởng”.
Câu mà cha mẹ thường hỏi con khi đón con từ trường về: Hôm nay ở lớp con có gì vui không? Nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng, cha mẹ không nên đặt câu hỏi này cho trẻ bởi đứa trẻ không biết thế nào là vui. Thay vào đó, bố mẹ trò chuyện với con một cách thoải mái. Việc hỏi theo kiểu điều tra sẽ không có kết quả khi nói chuyện với con mà bố mẹ thực sự mong muốn tìm hiểu và hỏi con theo yêu cầu tự nhiên thì cuộc nói chuyện mới ý nghĩa.
Cha mẹ nên để tâm chứ không nên để mắt bởi sự để mắt sẽ chỉ nhìn thấy quần áo bẩn ở con, con sụt cân… Khi bố mẹ để mắt sẽ chỉ nhìn thấy những điều xấu của con và làm bố mẹ ngứa mắt. Hậu quả là khiến đứa trẻ sợ hãi, khủng hoảng. Trong khi đó, nếu để tâm sẽ nhìn thấy trong câu hỏi tưởng chừng vô nghĩa sẽ có rất nhiều thông tin. Để tâm sẽ giúp cha mẹ nghe được những điều con không nói.