Bí quyết giúp con hết nghiện game từ chuyên gia Nguyễn Thị Lanh

19:00 | 04/11/2022;
“Nhiều cha mẹ thấy con nghiện game thì trợn mắt, mắng mỏ, giật điện thoại, cắt mạng… Những hành động mang tính chỉ trích, cưỡng chế như thế không thể giúp con hết nghiện game mà chỉ khiến con khó chịu, phản kháng”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh phân tích.

Nghiện game đến quên ăn, quên ngủ

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh hiện là Chủ tịch HĐQT Học viện Minh Trí Thành - đơn vị đi đầu trong đào tạo, phát triển tư duy ở Việt Nam. Tổ chức nhiều khóa học kỹ năng sống, phát triển tư duy cho các em học sinh, cô Lanh nhận thấy tình trạng thanh thiếu niên nghiệm game (trò chơi điện tử) là một vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại.

Có những em nghiện game đến mức thức thâu đêm suốt sáng để chơi, lúc ngủ cũng ôm theo ipad, điện thoại. Nhiều em mặc cả với cha mẹ "con ngoan thì mẹ cho con chơi game nhé", "con học thì mẹ cho con chơi 1 tiếng được không"… Nghiện game khiến học lực của các em sa sút, càng học kém càng chán học và càng lao đầu vào game.

Bí quyết giúp con hết nghiện game từ chuyên gia Nguyễn Thị Lanh - Ảnh 1.

Có nhiều em học sinh nghiện game đến mức quên ăn, quên ngủ

"Khi con nghiện game, cha mẹ đều rất sốt ruột, muốn cai game cho con. Họ nhắc nhở, dọa nạt, cấm đoán, thậm chí sử dụng đòn roi. Thế nhưng những phương pháp này không hiệu quả mà chỉ khiến con có tâm lý khó chịu, hành động phản kháng. Công cụ không có lỗi mà người dùng mới chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện game của con", cô Lanh chia sẻ.

Cô Lanh nhớ trường hợp một người mẹ thành đạt có cậu con trai ngày bé rất thông minh, học giỏi. Thế nhưng đến năm 14 tuổi, cậu nghiện game nên thành tích học tập kém. Người mẹ liền khóa trái phòng, khóa máy tính, đay nghiến, mắng nhiếc để ngăn cản con chơi game. Mấy tháng sau, cậu bé rơi vào trạng thái trầm cảm, không còn muốn học hành, đi thi bỏ giấy trắng.

Bí quyết giúp con hết nghiện game từ chuyên gia Nguyễn Thị Lanh - Ảnh 2.

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Lanh, bố mẹ cấm đoán, chỉ trích con không khiến con hết nghiện game chỉ khiến con khó chịu, phản kháng

Hay như gia đình chị Hằng ở Hòa Bình. Vợ chồng chị có cậu con trai năm nay 20 tuổi. Trong đợt dịch Covid-19, con trai chị ở nhà học online rồi bắt đầu chơi điện tử nhiều và nghiện game lúc nào không hay. Cậu có thể chơi game 18 tiếng/ngày, quên ăn quên ngủ. Vợ chồng chị lo lắng, từ khuyên nhủ đến mắng mỏ nhưng con đều không nghe. Đỉnh điểm, chị từng có dự định cho con vào trung tâm cai nghiện game song lại nghĩ vào đó kỷ luật khắt khe, chỉ sợ phản tác dụng, con sẽ thù hận bố mẹ thì hậu quả khôn lường.

Sau đó, gia đình chị biết đến cô Lanh nên cho con lên Học viện Minh Trí Thành học tập và làm việc. Từ đây, con trai chị không chỉ cai được game mà còn thay đổi bản thân theo hướng tích cực, trở nên tự tin, biết đặt mục tiêu và sống có ước mơ.

Cha mẹ cần làm gì khi con nghiện game?

Theo cô Lanh, cha mẹ quan tâm đến con, làm mọi cách để con cai nghiện game cũng chỉ vì muốn tốt cho con. Tuy nhiên, cha mẹ thường không biết cách hành xử nên có những cảm xúc, hành vi tiêu cực như tức giận, mắng mỏ, khóa máy tính, giật điện thoại, cắt mạng… Khi ấy, những đứa trẻ chỉ cảm thấy cha mẹ đang tức giận, chứ không hề cảm nhận được được tình yêu thương cha mẹ dành cho mình nên phản kháng, cãi láo, thậm chí chửi cha mẹ.

Mắng mỏ, dọa nạt, cưỡng chế không thành, nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực nên tìm cách "lừa" đưa con đến trung tâm cai nghiện game. Họ không biết rằng, cách này có thể khiến con bị sang chấn tâm lý. Có những đứa trẻ sau 1 năm cai game trở về nhà thì lòng đầy thù hận, nhìn bố mẹ như kẻ thù. Bố mẹ lại dọa "mày ngoan thì tao cho ở nhà, không nghe lời tao sẽ cho đi tiếp" khiến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con càng trầm trọng.

Bí quyết giúp con hết nghiện game từ chuyên gia Nguyễn Thị Lanh - Ảnh 3.

Để giúp con cai game, bố mẹ không nên đặt cảm xúc tiêu cực của mình vào hành vi của con, cần phải hiểu lý do vì sao con nghiện game

Cô Lanh cho biết, để giúp con cai game, trước tiên cha mẹ cần hiểu rõ lý do vì sao con nghiện game. Đó là vì con từng bị chê bai, chỉ trích, không được ghi nhận nên buồn chán, cô đơn, trống rỗng rồi bắt đầu chơi game. Con chơi lần 1, lần 2, thấy thích thú và cứ thế dần dần đắm chìm trong game.

"Vì con đang bị mắc kẹt trong game nên cha mẹ cần phải bình tĩnh trước hành vi chơi điện tử của con. Nó giống như việc con đang bị trói bằng sợi dây, cha mẹ càng sốt ruột, hoảng loạn tháo gỡ thì sợi dây càng chặt, càng rũ càng rối. Chỉ có bình tĩnh, tập làm quen với điều ấy, đừng đổ cảm xúc tiêu cực của mình vào hành vi của con thì mới có thể giúp con cai game một cách từ từ", cô Lanh nói.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần rèn cho con một thói quen khác để con quên game đi, lấp đầy khoảng thời gian trống. Những thói quen khiến con thích thú có thể là hát, nhảy, chơi guitar, piano, đá bóng… Đồng thời, cha mẹ nên giúp con học cách tự quản lý cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của bản thân thông qua các trải nghiệm, để con hiểu và thực hành việc kỷ luật với chính mình, khi đó việc con rời bỏ game sẽ trở nên đơn giản.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn