Thực tế, số lượng cũng như chất lượng của sữa mẹ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố dinh dưỡng cũng như cách chăm sóc hàng ngày. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ làm thế nào để sữa mẹ đặc và thơm hơn, giúp tăng chất lượng sữa, cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn cho cơ thể trẻ.
Sữa mẹ được chia thành 2 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu là từ quý thứ 2 của thai kỳ. Lượng sữa này được hình thành và sẽ tồn tại đến vài ngày sau khi sinh. Lượng sữa này còn được gọi là sữa non. Chúng rất đặc và dính, cũng như chứa nhiều dưỡng chất quý giá.
Giai đoạn 2 là sữa trưởng thành. Sữa này được tiết ra sau sữa non, trắng hơn và loãng hơn. Trong đó bao gồm sữa đầu, sữa giữa và sữa sau. Sữa đầu thường trong, sữa giữa và sau sẽ đậm và đặc dần, có màu trắng đục, béo ngậy hơn.
Sữa đầu thường trong nên hay bị hiểu nhầm là sữa loãng và bị bỏ đi. Tuy nhiên đây là hiểu lầm tai hại và làm lãng phí nguồn dưỡng chất quý giá có trong sữa đầu. Đặc biệt là có nhiều nước giúp cung cấp nước cho cơ thể bé. Do vậy mà trong suốt những tháng đầu đời, bé không nhất thiết phải uống nước hay ăn thức ăn bên ngoài.
Tuy nhiên, nếu đến giai đoạn sữa cuối mà sữa mẹ vẫn bị trong, nhìn không thấy có độ sánh và béo ngậy. Trẻ bú mẹ cũng không tăng cân theo đúng tiêu chuẩn thì có nghĩa là lúc này sữa mẹ đang bị loãng và không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ.
Thông thường, sữa mẹ đã có đẩy đủ dưỡng chất và sẽ đảm bảo được nguồn dinh dưỡng cho bé. Tuy nhiên nếu trẻ bú mẹ mà vẫn bị chậm lớn, không tăng đủ số cân theo tiêu chuẩn thì mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau để gia tăng chất lượng sữa, giúp sữa đặc và thơm hơn.
- Cho bé ti trực tiếp để kích tuyến sữa, giúp sữa ra nhiều và đặc hơn.
- Đổi các món ăn đa dạng để đảm bảo chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng và có hứng thú với đồ ăn hơn.
- Uống đủ nước để tuyến sữa có đủ nước giúp tiết sữa hiệu quả. Tuyệt đối không nhịn uống nước để sữa đặc hơn do đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.
- Uống một ly sữa ấm trước khi cho con bú sẽ kích thích tạo sữa.
- Massage ngực để kích thích tuyến sữa hoạt động, sản sinh ra lượng sữa nhiều hơn.
- Vệ sinh đầu ti sạch sẽ bằng nước ấm trước khi cho bé bú.
- Nên cho bé bú sớm ngay sau khi sinh để bé có thể nhận được lượng sữa non quý giá.
- Ngủ đủ giấc, ngủ trưa đều đặn. Không để bản thân mẹ bị stress.
- Hạn chế một số gia vị có mùi nặng như hành, tiêu, tỏi, ớt.
- Cho bé bú đúng tư thế: kiểm tra khớp ngậm ti mẹ xem bé ngậm đúng chưa, tư thế bú có thoải mái không.
Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng giúp tăng cường cả số lượng lẫn chất lượng của sữa mẹ, các bậc phụ huynh cần chú ý bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm. Đặc biệt là các thực phẩm bao gồm:
- Rau xanh, trái cây... Những loại thực phẩm này có chứa các thành phần có nguồn dinh dưỡng thiết yếu và hỗ trợ vitamin, chất xơ có lợi cho cơ thể.
- Protein từ thịt, cá... rất giàu hàm lượng iode và đạm cũng như cung cấp nhiều DHA cho cả mẹ và bé. Mẹ nên ăn thêm cá 1 đến 2 bữa trong tuần và tăng cường thịt để đủ dinh dưỡng chất đạm, protein.
- Tăng cường canxi. Ngoài bổ sung canxi trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, mẹ cũng có thể uống thêm sữa để tăng cường canxi cho hệ xương của con phát triển và tránh loãng xương cho mẹ sau này.
- Nước. Để đủ nước cho cơ thể mẹ và đủ sữa cho con, mẹ cần uống 8 - 10 cốc mỗi ngày, tương đương với 2 lít nước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn