Bí quyết làm thương hiệu cho sản phẩm OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số

21:41 | 25/11/2022;
Học hết lớp 3 đã phải nghỉ học theo bố mẹ lên nương nhưng chị Triệu Thị Tá (tỉnh Bắc Kạn) đã tự thành lập được cơ sở sản xuất miến dong với thương hiệu mang tên mình, cho doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng.

Xã Yến Dương, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) nơi chị Triệu Thị Tá sinh ra và lớn lên được nhiều người gọi là "thủ phủ" của cây dong riềng. Nhận thấy mọi người sản xuất miến dong cho thu nhập cao hơn, chị Triệu Thị Tá quyết định khởi nghiệp từ năm 2011. 

Chị Triệu Thị Tá chia sẻ, lúc đầu chưa nhiều kinh nghiệm nên cũng có những mẻ miến không thành. Rút kinh nghiệm qua những lần thất bại, chị đã làm ra được sợi miến có thành phẩm đều, mịn, dai. Từng bước, chị mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2012, chị được cấp giấy phép kinh doanh, có bao bì và nhãn hiệu riêng. Chị đặt tên cơ sở sản xuất và sản phẩm của mình làm ra "Miến dong Triệu Thị Tá".

Điểm đặc biệt của miến dong Triệu Thị Tá là quy trình sản xuất sử dụng tinh bột dong địa phương, làm bằng thủ công truyền thống với bí quyết riêng nên dù khi ăn miến có nấu lại nhiều lần vẫn không bị nát.

Thêm một bí quyết nữa để miến dong Triệu Thị Tá tạo được dấu ấn với người tiêu dùng, là bao bì sản phẩm in chính hình ảnh của "bà chủ" mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao, vai đeo gùi miến dong. 

Chị Triệu Thị Tá cho biết, chị tự lên ý tưởng làm bao bì sản phẩm rồi xuống Hà Nội đặt in, bởi chị suy nghĩ: Chất lượng sản phẩm miến dong tốt là chưa đủ, mà phải thêm bao bì đẹp mới thu hút khách mua. Dùng hình ảnh của mình trên bao bì cũng là cách tự nhắc nhở mình phải giữ chữ tính trong từng sản phẩm.

Chính nhờ những dấu ấn đặc trưng riêng đó, sản phẩm của cơ sở sản xuất miến dong Triệu Thị Tá được người sử dụng nhớ tới. Hiện cơ sở đã kết nối với các đại lý tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. 

Miến dong Triệu Thị Tá liên tục nhiều năm được bình chọn là "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc", do Cục công nghiệp địa phương trao tặng. Năm 2019, miến dong Triệu Thị Tá đạt sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Bắc Kạn.

Bí quyết làm thương hiệu cho sản phẩm OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Thương hiệu "Miến dong Triệu Thị Tá"

Chú trọng tính độc đáo trong xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa vùng núi

Trao đổi về việc xây dựng thương hiệu với các sản phẩm OCOP của bà con dân tộc thiểu số và miền núi tại buổi tọa đàm mới đây, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh, cho biết: Thực tế hiện nay, các sản phẩm hàng hóa của vùng miền núi, dân tộc thiểu số có sự cạnh tranh rất cao trên thị trường. Nhiều sản phẩm có tên gọi na ná nhau và có sự tương đồng khá cao. Có hàng ngàn sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, khiến người tiêu dùng "có thể hoa hết mắt". 

Vì vậy, trong vấn đề xây dựng thương hiệu, bên cạnh việc đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng thì bà con cần đặc biệt lưu ý tính độc đáo, tính khác biệt của mỗi sản phẩm của mình làm ra. Sự khác biệt của sản phẩm hàng hóa có thể đến từ yếu tố điều kiện khí hậu, tự nhiên, xã hội; tính đặc sắc về truyền thống, văn hóa dân tộc thiểu số ẩn sau mỗi sản phẩm. Qua đó vừa xây dựng được thương hiệu có nét đặc sắc riêng, đồng thời cũng gắn sản phẩm với xu hướng tiêu dùng mới, hiện đại ngày nay.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nhìn vào hệ sinh thái của các sản phẩm OCOP của bà con dân tộc thiểu số, cần phải chuẩn bị rất nhiều để có thể phát triển bao trùm, xanh, bền vững, từ khâu nguyên vật liệu đến sơ chế, chế biến sâu, phân phối, quảng bá, xúc tiến, bán hàng, hậu mãi, và còn phải xử lý tranh chấp… Theo đó, rất cần gắn xây dựng thương hiệu không chỉ đơn thuần là sản phẩm, mà cần phải lưu ý tới "cả quy trình". Cụ thể như, muốn xuất khẩu sản phẩm ra các nước phát triển, phải đảm bảo toàn bộ quá trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xanh, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội… thì mới phát triển bền vững, được thị trường khó tính chấp nhận.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn