Bí thư Thành ủy Hà nội khẳng định, đây là kỳ họp rất quan trọng để đánh giá năm 2023 và quyết định những giải pháp quan trọng về chính trị - kinh tế - xã hội năm 2024 nhằm phát triển Thủ đô trong thời gian tới.
Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND Thành phố sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND Thành phố bầu theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Dự kiến, HĐND thành phố sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 chức danh lãnh đạo gồm Chủ tịch HĐND thành phố, Phó chủ tịch HĐND thành phố, các trưởng Ban của HĐND thành phố; Chủ tịch UBND, các Phó chủ tịch UBND TP và các Ủy viên UBND TP.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, thông qua đó, người được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc, không hình thức và đánh giá đúng về uy tín, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Người đứng đầu Thủ đô cũng thẳng thắn chỉ ra, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 của Thành phố còn một số tồn tại như: Còn một số chỉ tiêu chưa đạt; kinh tế tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra; công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiên môi trường đầu tư của thành phố tuy có cải thiện, song chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố; tình trạng cháy nổ, ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững. Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt xảy ra cục bộ tại một số quận, huyện; Kỷ luật, kỷ cương đã được tăng cường nhưng có nơi, có lúc còn chưa nghiêm...
Bí Thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, cuộc họp này cần tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình trọng điểm, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công; kiên quyết cắt giảm vốn đầu tư cho các dự án không giải ngân được để chuyển bổ sung nguồn vốn cho các các dự án cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện…
Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tiếp tục thực hiện tăng cường phân cấp, phân quyền.
Đẩy nhanh công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; Phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo;
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích văn hoá lịch sử trên địa bàn.
Được biết, trong thời gian vừa qua, HĐND, Thường trực HĐND đã tổ chức 01 phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây dựng mới trường mầm non, trường phổ thông của Thành phố;
Theo báo cáo, kinh tế - xã hội năm 2023 của Thành phố cơ bản hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu đề ra. Ước cả năm 2023, GRDP của Thành phố tăng 6,27%, thấp hơn kịch bản đề ra nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng trên 5%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 4,5% - đạt mục tiêu đề ra (CPI bình quân 11 tháng tăng 1,8%).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn