Những ngày qua, thông tin quận Hoàn Kiếm của TP Hà Nội thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Tại hội nghị, ông Phạm Chi Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) nêu ý kiến: "Nhân dân rất quan tâm, muốn biết chủ trương, quan điểm của thành phố trong việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm bởi đây là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có bề dày truyền thống về văn hóa, lịch sử".
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, ngày 7/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, thống nhất cao quan điểm và sẽ có chỉ thị về vấn đề này. Thành phố sẽ thành lập ban chỉ đạo, xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính.
"Tinh thần của Hà Nội là thực hiện nghiêm quy định của T.Ư, nhưng đây cũng là vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, nhiều tâm tư, gắn với đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị", ông Dũng nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thêm, thành phố sẽ rà soát, thống kê theo tiêu chí "cứng" là diện tích và dân số. Nhưng bên cạnh đó, có một tiêu chí rất quan trọng là văn hóa, lịch sử. Tiêu chí này cũng đã được nêu trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Quận Hoàn Kiếm rất đặc thù, thành phố sẽ tìm cách thuyết phục, tinh thần là giữ nguyên quận", Bí thư Đinh Tiến Dũng chia sẻ thêm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè của Thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, chủ trương cho thuê vỉa hè lòng đường là việc sẽ làm, các quận cũng đang rà soát nghiên cứu, nhưng giờ chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện.
Thứ nhất, theo Bí thư Hà Nội, muốn cho thuê lòng đường, vỉa hè thì phải có đủ căn cứ pháp lý. Về việc này, thành phố Hà Nội đang yêu cầu các quận tổ chức thiết kế đô thị, lấy ý kiến nhân dân. Theo quy trình, khi lấy ý kiến nhân dân, có sự đồng thuận mới triển khai. Một số quận, chẳng hạn như quận Hoàn Kiếm, hiện nay đang rà soát, nghiên cứu các tuyến phố để có thể thí điểm sau khi lấy ý kiến nhân dân.
Thứ hai, lúc này nên khoan sức dân, việc đưa ra chính sách cho thuê lòng đường, vỉa hè một cách vội vã lúc này là không ổn. Đây là thời điểm kinh tế đất nước đang rất khó khăn, Quốc hội, Chính phủ đang phải ban hành nhiều chính sách như giảm thuế, giãn thuế để khoan sức dân.
Người đứng đầu Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, lòng đường vỉa hè gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân Thủ đô, ăn uống vỉa hè đã là thứ văn hóa lâu đời, cách làm cũ theo kiểu cứ ra quân truy đuổi, dọn dẹp vỉa hè không đạt được hiệu quả cao và vững chắc.
Do đó, việc quản lý lòng đường, vỉa hè cần thiết phải tổ chức lại. Tuy nhiên việc triển khai chủ trương mới phải làm rất kỹ lưỡng, có sự đồng thuận cao của nhân dân và phải chọn thời điểm phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn