Bi thương Chiềng Cà

20:02 | 17/09/2016;
Từng đoàn người đến đưa tiễn, động viên, thăm hỏi, những tiếc khóc nấc nghẹn ai oán cứ vẳng ra từ xóm nghèo Chiềng Cà này.

Tối 17/9, ông Vi Hồng Long, Chủ tịch UBND xã Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) buồn rầu cho biết, cả mấy ngày nay, địa phương chúng tôi không ngủ. Bản thân tôi cũng đang rối bời, trước sự việc xảy ra quá đột ngột, đau đớn khi cùng lúc xã mất đi nhiều người đến vậy. Lo huy động lực lượng để làm tang ma cho những nạn nhân được tìm thấy trước, lại lo cho việc tổ chức giám định AND để xác nhận người thân cho các gia đình đem người nhà về mai táng, rồi lại lo tiếp tục hỗ trợ lực lượng tìm kiếm cứu nạn đối với các nạn nhân hiện vẫn mất tích trong rừng sâu.

“Là người của địa phương chúng tôi bị nạn, nhưng hiện trường xảy ra lũ quét đó nằm trên đất thuộc huyện Quỳ Châu (Nghệ An), vì vậy, từ trung tâm xã đến hiện trường nạn nhân tử vong bị mắc kẹt ở con suối chừng 15 km, và đến nơi có lán trại bị vùi lấp cách xa 20 km. Đường đi rất hiểm trở, nên chúng tôi phải phân tán lực lượng rộng ra để tìm kiếm, vì sợ các nạn nhân còn lại có thể đã bị trôi xa”, ông Long nói trong nỗi lo lắng, có phần mỏi mệt.

thanh-hoa7.jpg
 Dẫu đã thoát chết trở về bên con gái, nhưng chị Vi Thị Di vẫn nằm bất động, thất thần trên giường, không thể quên được khoảnh khắc kinh hoàng nhìn lũ cuốn trôi nhiều người thân và hàng xóm của mình.

Theo ông Long, trong số 10 gia đình gặp nạn thì gia đình nào cũng thuộc diện khó khăn, con cái đều đang tuổi đi học. Tuy nhiên, có gia đình cả 2 vợ chồng cùng thiệt mạng trong trận lũ này, là anh Vi Văn Khoa và chị Vi Thị Thong (chị Thong hiện vẫn chưa được tìm thấy), để lại 4 đứa con nhỏ cho người mẹ già đã ngoài 70 tuổi, là đau xót nhất. “Nhìn gia đình nào bị nạn cũng đau xót, thương tâm, có nhà bọn trẻ mất bố, nhà mất mẹ, mất con, nhưng vẫn còn người ở lại để các cháu nhỏ dựa dẫm vào sống tiếp, đằng này….” – ông Long bỏ lửng câu nói, lặng đi giây lát. “Trong 4 đứa con của vợ chồng chị Thong, có đứa lớn vừa học xong cấp 3, đã đi làm thuê ngoài huyện, nhưng còn 3 đứa nhỏ, đứa bé nhất mới 3 tuổi, đi học mẫu giáo còn ngơ ngác. Chưa biết rồi đây mấy bà cháu này sẽ sống ra sao?”, ông Long thở dài.

Lội qua con suối nhỏ Phải Ngúa vào thôn Chiềng Cà 2, đến gia đình chị Vi Thị Di (38 tuổi), người may mắn thoát chết trọng sạt lở đất. Trong căn nhà sàn, chị Di nằm như bất động trên chiếc giường cũ kỹ. Cháu Vi Thị Huyền (16 tuổi, con chị Di) học lớp 11 lom khom canh củi nấu cháo cho mẹ. “Hôm nay cháu xin nghỉ học vì mẹ ốm”. Vừa nói, Huyền vừa đem bát cháo nhỏ đến lay mẹ cố ăn cho lại sức, sau một ngày chị băng rừng, vượt suối với 1 chân bị gẫy để chạy về báo tin dữ cho người thân và địa phương biết.

Gượng dậy trên chiếc giường, chị Vi Thị Di kể lại: Lúc đó là khoảng 3h sáng, tôi thấy mưa xối xả, nước suối và cây cối bắt đầu đổ. Trong lán của tôi còn có thím Doan, khi nước và đất ào xuống tôi đã may mắn chạy được, và nghe thấy tiếng thím Doan kêu thất thanh: “Trời ơi, cái chi rứa?”, rồi im bặt. Tôi đã cố leo lên cao hơn và thấy chú Ứ và anh Đông cũng đang cố chạy thoát. Nếu 3 chúng tôi không chạy nhanh thì nước cũng cuốn đi rồi”.

Theo lời chị Di thì lán trại của chị Di và nạn nhân Vi Thị Doan ở gần lán của anh Ứ và anh Đông. Còn cách đó khoảng trên 2km thì có nhiều lán trại khác cũng vào rừng lấy măng.

“4 người chúng tôi vào hôm 13/9 để lấy măng. Thường thì những người vào đây lấy măng thì làm lán trại ở khe suối để tiện tắm giặt, luộc măng. Nếu từ nhà đi vào đó thường ở lại ít nhất 1 tuần, còn nếu có người nhà đem cơm nước đến thì ở cả tháng”, chị Di nói.

Cũng theo chị Di thì mùa măng rừng chỉ có vào tháng 7,8 và tháng 9, người đi lấy măng đi theo đợt. Mỗi đợt lấy được từ 20-30kg măng tươi, sau khi làm khô, nếu măng đẹp thì có giá 100 nghìn/kg, còn không chỉ được 60-70 nghìn đồng/kg.

thanh-hoa4.jpg
 Cảnh tượng tan hoang sau lũ quét được phóng viên ghi tại hiện trường 

Còn anh Lục Văn Xuyến (trú tại thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân) cũng là người may mắn thoát chết kể lại: Đoàn chúng tôi có khoảng 10 người đi lấy măng và đóng thành 3 lán ở những khu rừng khác nhau. Vào thời điểm trên, tôi nghe tin ở những lán bên có người gặp nạn. Chạy đến nơi, trong nhập nhoạng, tôi thấy cảnh tượng kinh hoàng, những người trong lán bị lũ, đất đá cuốn trôi và vùi lấp. Tôi chỉ nhìn thấy thi thể hai người là em Khoa và anh Thoại nằm trơ ra và bị kẹt dưới một cái cây to. Ngay lúc này, tôi chỉ nghĩ phải chạy về thật nhanh báo tin cho mọi người trong làng biết để lên cứu, nhưng phải mất rất lâu, tôi mới về được tới nhà báo tin...".

Ông Vi Hồng Long, Chủ tịch UBND xã Thanh Quân cho biết, đến tối ngày 17/9, xã đã huy động tối đa thanh niên, đàn ông có mặt tại địa phương phối hợp cùng lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn vào rừng sâu để tìm kiếm nạn nhân. Trước mắt, xã hỗ trợ cho các gia đình bị nạn mỗi hộ 1 triệu đồng; huyện Như Xuân hỗ trợ mỗi hộ 7 triệu đồng, Mặt trận tổ quốc huyện hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ; bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh, Nông dân… hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng, giúp các gia đình qua cơn hoạn nạn. Ngoài ra, ông Phạm Đăng Quyền, PCT UBND tỉnh Thanh Hoá đã 2 lần về địa phương chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn và thăm hỏi, động viên các gia đình bị nạn.

Theo báo cáo của UBND huyện Như Xuân (Thanh Hóa), do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, vào hồi 4 giờ sáng ngày 14/9/2016 tại địa bàn xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã xảy ra lũ ống, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số người dân đi làm ăn xa trong rừng; trong đó có 10 người dân thuộc 6 hộ ở thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hoá) làm chết 2 người là anh Lương Văn Thoại 22 tuổi và anh Vi Văn Khoa 45 tuổi.

5 người  bị mất tích gồm có: Vi Thị Thong 45 tuổi, Vi Thị Tin 30 tuổi, Vi Thị Doan ( tức bà Nội) 46 tuổi, Vi Thị Thay 45 tuổi, Vi Thị Pheo 44 tuổi và 3 người may mắn thoát chết gồm: Vi Thị Di (38 tuổi), anh Vi Văn Ứ (45 tuổi) và anh Hoàng Văn Đông (42 tuổi). 

Đến chiều 17/9, đã tìm thấy 3 nạn nhân bị mất tích, trong đó 2 nạn nhân đã xác định được danh tính, còn 1 nạn nhân hiện vẫn chưa xác định rõ danh tính.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn