Bị tước hộ nghèo vì... quá nghèo

06:00 | 12/08/2016;
Với số tiền đóng góp mỗi năm gần chục triệu đồng để làm đường liên thôn, một gia đình liệt sĩ ở Thanh hóa thuộc diện hộ nghèo đã không thể có đủ để đóng. "Nợ làng" hơn 7 triệu đồng, gia đình chính sách này lập tức bị tước hộ nghèo.

Sinh ra đã phải gánh quĩ tiền triệu

Theo bình bầu hộ nghèo năm 2016, gia đình anh Phạm Hữu Hùng (SN 1972) là 1 trong 7 hộ nằm trong danh sách hộ nghèo của làng Thành Liên, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Anh Hùng có bố là liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ năm 1972 khi anh mới được 1 tháng tuổi. Tuy nhiên, vì vẫn nợ làng 7,3 triệu tiền đóng góp làm đường liên thôn nên gia đình anh Hùng đã bị “treo” mất suất hộ nghèo.

Trưởng thôn tuyên bố, chỉ khi nào anh Hùng hứa sẽ đóng tiền hoặc ít nhất cũng đóng trước 1 triệu trong số 7,3 triệu đồng thì gia đình anh Hùng mới được “khôi phục” hộ nghèo.

1.jpg
Anh Phạm Hữu Hùng cùng vợ và các con

Anh Hùng cho biết, làng Thanh Liên bắt đầu triển khai làm đường liên thôn từ năm 2007. Năm 2014, đường hoàn thành. Nhà anh Hùng có 6 người, gồm: 2 vợ chồng anh Hùng, 3 người con và một mẹ già 70 tuổi, tổng cộng 6 nhân khẩu.

Giai đoạn đầu mới làm đường, mẹ anh Hùng, bà Ngô Thị Dậu là vợ liệt sĩ, dù tuổi cao, sức yếu, bị lú lẫn mấy chục năm nay nhưng vẫn phải đóng 50%. Sau này, với chính sách mới của làng, bà Dậu đã được miễn.

Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, là hộ nghèo năm 2011, hộ cận nghèo năm 2012-2015 nhưng 5 khẩu còn lại trong gia đình anh Hùng đều phải đóng đủ các khoản theo qui định của làng, trong đó có tiền làm đường. Theo đó, từ khi đường khởi công cho đến lúc hoàn thành, trung bình mỗi khẩu phải đóng gần 6 triệu đồng.

Thời gian đầu, nhà anh Hùng đóng góp đầy đủ. Thế nhưng, đến đợt cuối cùng, nhà anh Hùng đã “kiệt sức” nên nợ lại làng 7,3 triệu đồng. “Tôi đã đóng cho làng trên 20 triệu nhưng số còn lại là 7,3 triệu tôi chưa đóng vì nhà tôi đã khánh kiệt, một phần nữa vì đường làm không đảm bảo. Đoạn qua nhà tôi không làm cống thoát nước nên mưa là cả sân nhà tôi bị ngập”, anh Hùng cho biết.

2.jpg
Anh Hùng bên người mẹ đã bị mất trí nhớ nhưng những năm đầu, bà vẫn phải đóng góp như thường

Chị Nguyễn Thị Vân (SN 1975), vợ anh Hùng cho biết: “Trong đợt bình xét hộ nghèo năm 2016, nhà tôi đủ tất cả các tiêu chuẩn để được chế độ hộ nghèo. Tuy nhiên, vì nợ tiền nên đã bị “treo” lại. Ông trưởng thôn Nguyễn Sỹ Thành hỏi: “Có đóng được hơn 1 triệu không để lấy hộ nghèo?”. Tôi nói rằng, chính sách dành cho hộ nghèo là chính sách nhân đạo của Nhà nước. Tôi không dùng tiền để mua hộ nghèo. Sau đó, gia đình tôi không đóng và đã bị tước mất hộ nghèo".

Cũng theo chị Vân, ở làng Thành Liên có rất nhiều khoản thu, chi chít các loại quỹ nhưng nhà chị đều tham gia đóng góp đầy đủ. Chỉ riêng khoản tiền làm đường là nặng quá nên dù đã cố gắng nhưng nhà chị không thể đóng góp hết được.

6.jpg
Danh sách các khoản đóng góp của gia đình anh Hùng cũng như số nợ đang phải gánh

Xem số tiền đóng góp theo năm của nhiều hộ gia đình trong thôn Thành Liên, chúng tôi không khỏi choáng váng khi số tiền đóng lên đến cả chục triệu đồng. Như gia đình ông Nguyễn Trọng Xuyên, năm 2014 đóng một lúc 12,85 triệu đồng cho 10 khẩu (chỉ tính riêng tiền làm đường – Pv). Trung bình mỗi khẩu phải đóng 1,285 triệu, kể cả trẻ con mới sinh. Cũng với số tiền trên, nhà ông Nguyễn Sỹ Lâm với 3 khẩu phải đóng hơn 3,85 triệu đồng…

“Tiền làm đường rất nhiều trong khi chúng tôi còn phải “cõng” thêm rất nhiều khoản đóng góp. Có những khoản rất vô lý như “Thu quỹ theo nghị quyết”, “Quỹ đầu tư công và phát triển sản xuất”. Chúng tôi không hiểu đó là quỹ gì. Ngoài ra, riêng tiền xây dựng kênh mương nội đồng năm nào cũng thu, thu hàng chục năm nay nhưng chỉ xây dựng được vài đoạn, không biết tiền đó đi đâu”, ông Lâm nói.

Nộp tiền đường, có hộ nghèo ngay!

Cùng với anh Hùng, PV báo PNVN đã tìm đến nhà ông trưởng làng Nguyễn Sỹ Thành. Ông Thành giới thiệu, bản thân ông đã tham gia làm cán bộ thôn từ rất lâu,  với nhiều chức vụ khác nhau và hiện là trưởng làng.

3.jpg
Anh Hùng (giữa) "đối thoại" với trưởng làng Nguyễn Sỹ Thành (ngoài cùng bên phải)

Nói về việc người dân thắc mắc làng Thành Liên thu quá nhiều loại phí, quỹ, số tiền phải đóng hàng năm rất lớn. Ông Thành nói: “Những khoản thu không có gì là lớn, có 4 khoản đã thu từ nhiều đời nay rồi, từ trưởng làng này đến trưởng làng kia, gồm: Quỹ văn hóa xã hội, Quỹ khuyến học, Quỹ an ninh, Quỹ thiếu niên. Các khoản thu khác thì thu tùy theo năm. Thu khoản nào chúng tôi cũng nhận được sự đồng thuận của người dân”.

Về việc làm đường, ông Thành cho biết: “Năm 2007, nhân dân làm con đường chính của làng dài 1,5km  hết 700 triệu, sau đó vào năm 2009 làm tiếp con đường nhánh hết trên 1 tỷ. Tiền làm đường 100% nhân dân đóng góp. Trước khi làm đường, chi bộ Đảng cùng nhân dân đưa ra bàn bạc thống nhất. Năm 2013, đường làm xong và làng còn nợ bên thi công trên 400 triệu. Lúc này chúng tôi chia theo đầu nhân khẩu. Mỗi khẩu 1,285 triệu đồng. Từ tuổi 60 trở lên sẽ không thu mà chỉ huy động sự tự nguyện. Với trẻ nhỏ, cứ có giấy khai sinh là phải đóng góp. Thôn có 178 hộ với 667 khẩu, hơn 400 khẩu trong diện phải đóng góp”.

Ông Thành thừa nhận: “Chúng tôi biết thu như thế là nặng, một số nhà không thể chịu nổi nên mới cho gia hạn sang năm 2015. Hiện tại nhân dân đã đóng hết, chỉ còn nhà anh Phạm Hữu Hùng”.

Có phải vì anh Hùng nợ tiền nên đã bị “treo”hộ nghèo lại?

“chính xác là như vậy”, ông Thành khẳng định .

4.jpg
Biên bản họp thôn quyết định "treo" hộ nghèo gia đình anh Hùng

“Sau khi rà soát nghèo 2016, nhà anh Hùng vẫn đủ các tiêu chí nằm trong hộ nghèo. Tuy nhiên, có 2 trong số 7 hộ nghèo là nhà chị Lê Thị Xôi, chồng chết, nợ 5 triệu đồng và nhà anh Hùng nợ trên 7 triệu đồng. Sau đó, nhà chị Xôi cam kết sẽ trả dần, trước mắt nộp 1,4 triệu. Riêng nhà anh Hùng không có phản hồi. Nhân dân thống nhất nhà chị Xôi đóng tiền và sẽ được hộ nghèo. Nhà anh Hùng nếu trong năm 2016 không trả được nợ đường làng sẽ không cho hộ nghèo. Bây giờ anh Hùng nộp tiền sẽ được hộ nghèo ngay”, ông Thành nói.

Ông Thành còn cho biết, ông cũng đã đến nhà ngỏ lời “giúp” anh Hùng nhưng gia đình từ chối. Ông Thành kể: “Tôi bảo với vợ chồng anh Hùng, chú đi vay tiền cho bay (chúng mày – PV) cố gắng mà đóng 2 triệu trước đi. Nếu đóng được hộ nghèo ngay nhưng nhà anh Hùng vẫn không nghe”.

Khi chúng tôi trao đổi với ông trưởng làng rằng, chính sách hộ nghèo là chủ trương tốt đẹp của Đảng và Nhà nước. Gia đình anh Hùng đủ tiêu chí hộ nghèo, lại là con của một liệt sỹ, sao làng lại nỡ lấy chế độ hộ nghèo ra để ép một gia đình chính sách đóng tiền đường chưa đủ? Làm như vậy là trái với quy định của Nhà nước, trái với đạo lý uống nước nhớ nguồn? Ông Thành trả lời: “Tôi cũng là con người, anh Hùng cũng là con người, người khác cũng là con người. Tại sao gia đình chúng tôi đóng góp được nhà anh Hùng lại không? Tôi thấy như thế là bất công bằng”.

Ông Thành tiếp tục với thái độ bức xúc: “Mọi người đều đi trên đường cả. Anh Hùng cũng là công dân, người khác cũng là công dân, tại sao các hộ đóng được chỉ mỗi nhà anh Hùng không đóng? Đường là đường chung, anh Hùng không đóng mà vẫn đi trên đường, điều đó khiến nhân dân bức xúc. Nhà anh Hùng có 5 khẩu, có nhà 9-10 khẩu vậy mà người ta vẫn đóng được. Chúng tôi đã gửi văn bản họp dân lên xã. Lãnh đạo xã bảo, cứ bao giờ anh Hùng đóng tiền đường thì sẽ bàn giao quyết định hộ nghèo”.

(Còn nữa)

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn