Mới đây, tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG, sàn HOSE) đã công bố thông tin bất thường về việc Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Trước đó, ngày 24/7/2023, theo yêu cầu của công ty cổ phần Lilama 45.3 (trụ sở tại Quảng Ngãi), Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã thụ lý đơn yêu cầu thủ tục phá sản đối với tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Ngay sau khi tòa án thụ lý đơn của Lilama 45.3, tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) đã "lên tiếng" giải thích về những vấn đề công ty đang gặp phải, đồng thời, DLG cho biết bản thân không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng, nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.
Theo soát xét báo cáo tài chính bán niên 2023, tính đến 30/6/2023, tổng số nợ mà DLG phải trả là 4.568 tỷ đồng. Như vậy, so với tổng số nợ DLG đang cần trả thì số nợ Lilama 45.3 của Đức Long Gia Lai là 31,4 tỷ đồng, vẫn còn khá nhỏ.
Tính trên tổng tài sản của DLG, số nợ Lilama 45.3 chỉ chiếm 0,5% so với tổng số tài sản hiện tại của công ty (khoảng 5.702 tỷ đồng). Do vậy, DLG vẫn có khả năng trả được nợ, không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.
Ghi nhận khoản nợ phải trả người bán ngắn hạn tại DLG là 280,6 tỷ, trong đó có khoản của Lilama 45.3 (31,4 tỷ) và các tổ chức khác.
Danh sách những khoản nợ trong nhóm Nợ phải trả người bán ngắn hạn:
Đáng chú ý, hầu hết số nợ ở mỗi tổ chức đều tăng so với thời điểm đầu năm. Nợ quá hạn chưa thanh toán là 195,3 tỷ đồng, chiếm 70% tổng số nợ.
Ngoài ra, nợ tài chính chiếm một nửa trong tổng số nợ của DLG, cụ thể: nợ ngắn hạn (1.171,6 tỷ) và nợ dài hạn (1.775 tỷ).
Trong đó, nợ ngắn hạn vay tại ngân hàng và các tổ chức khác là khoảng hơn 1.030 tỷ đồng, tăng hơn 20 tỷ đồng so với đầu năm.
Các tổ chức cho DLG vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gồm có: BIDV, VietinBank, Sacombank và CTCP Đầu tư Phát triển địa ốc Gia Long.
Ngân hàng BIDV có khoản cho vay "mạnh tay" nhất là 747 tỷ đồng cho các loại: hợp đồng tín dụng, hợp đồng đạt mua trái phiếu. Kế tiếp, ngân hàng Sacombank tại hai chi nhánh Gia Lai và Sài Gòn cho DLG vay tổng là 233,2 tỷ đồng; ngân hàng VietinBank cho vay 22,6 tỷ đồng và CTCP Đầu tư và phát triển địa ốc Gia Long cho vay 27,2 tỷ đồng.
Còn ở khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn, hiện công ty không có khoản nào bị quá hạn, chưa thanh toán.
Liên quan đến tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, ghi nhận dấu hiện "vực dậy" sau một thời gian liên tục lỗ, lợi nhuận đã tăng trưởng dương trở lại, đạt 34% so với kế hoạch đầu năm. Tuy nhiên, tổng tài sản đạt 5.702 tỷ đồng, song, phần lớn trong đó đến từ các khoản vay ngắn hạn và dài hạn, vốn của chủ sở hữu chỉ chiếm 20% với 1.133 tỷ đồng.
Ngoài ra, phía cơ quan kiểm toán cũng đặt nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp "phố núi" này, do chưa thể xác định được giá trị các tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh có phù hợp với kế hoạch trả nợ không.
Ghi nhận trên sàn, mã cổ phiếu DLG dù đang có xu hướng "khởi sắc" nhưng thị giá ở mức khá thấp, chỉ dao động trong khoảng từ 2.000 – 3.400 đồng/cổ phiếu.
Theo thông tin hồ sơ doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tiền thân là Xí nghiệp Tư doanh Đức Long Gia Lai, được thành lập năm 1995. Lĩnh vực kinh doanh chính hiện tại của công ty bao gồm sản xuất và kinh doanh linh kiện điện tử, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản và các sản phẩm nông nghiệp.
DLG được niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ năm 2010.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn