Biến chứng nguy hiểm khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu

12:21 | 09/03/2020;
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một bệnh phổ biến, gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống, thậm chí nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một bệnh nhiễm trùng liên quan đến thận, niệu quản, bàng quang hay niệu đạo. Đây là những cơ quan mà nước tiểu đi qua trước khi đào thải khỏi cơ thể.

- Thận là một cặp cơ quan nhỏ, nằm ở khoang bụng sau phúc mạc, đối xứng nhau qua cột sống. Thận có chức năng lọc máu và lọc các chất thải ra khỏi máu, các sản phẩm chuyển hóa đạm, chất điện giải để hình thành nước tiểu. Thận cũng rất nhạy cảm với những thay đổi về lượng đường trong máu, huyết áp và cân bằng điện giải. Cả bệnh tiểu đường và tăng huyết áp có thể gây tổn thương cho cơ quan này.

- Hai niệu quản, là những ống dài khoảng 10 inch, dẫn nước tiểu từ mỗi quả thận vào bàng quang.

- Bàng quang là một cơ quan nhỏ có chức năng thu nhận và dự trữ nước tiểu. Khi bàng quang đầy, phản xạ các cơ thành bàng quang co thắt gây ra cảm giác buồn tiểu, báo hiệu chúng ta phải đi tiểu, giải phóng nước tiểu ra ngoài qua niệu đạo.

- Niệu đạo là một ống nhỏ, nối bàng quang với bên ngoài cơ thể. Một cơ được gọi là cơ vòng niệu đạo phải được thư giãn khi bàng quang co bóp để tống nước tiểu ra ngoài.

Bất kỳ bộ phận nào của hệ thống này đều có thể bị nhiễm trùng. Theo quy luật, càng đi sâu vào đường tiết niệu, nhiễm trùng càng nghiêm trọng.

Đường tiết niệu gồm đường tiết niệu trên và đường tiết niệu dưới.

- Đường tiết niệu trên gồm thận và niệu quản. Nhiễm trùng đường tiết niệu trên thường ảnh hưởng đến thận (viêm bể thận), có thể gây sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn và các triệu chứng nghiêm trọng khác.

- Đường tiết niệu dưới gồm bàng quang và niệu đạo. Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới có thể ảnh hưởng đến niệu đạo (viêm niệu đạo) hoặc bàng quang (viêm bàng quang).

Tại Hoa Kỳ, hơn 10 triệu lượt đến các phòng khám và bệnh viện mỗi năm vì chứng bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.

- Nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến ở người lớn hơn trẻ em, khoảng 1 - 2% trẻ em bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em có nhiều khả năng nghiêm trọng hơn so với người lớn (đặc biệt là trẻ nhỏ).

- Nhiễm trùng đường tiết niệu là căn bệnh phổ biến nhất ở đường tiết niệu ở trẻ em ngoài đái dầm.

- Những bệnh nhiễm trùng này thường phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới dưới 50 tuổi. Nguyên nhân chưa được hiểu rõ, nhưng sự khác biệt về mặt giải phẫu ở hai giới (niệu đạo ở phụ nữ ngắn hơn) có thể là một phần nguyên nhân.

- Khoảng 40% phụ nữ và 12% nam giới nhiễm trùng đường tiết niệu ở một vài thời điểm trong đời.

2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng đường tiết niệu

Nước tiểu thường vô trùng. Nhiễm trùng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào nước tiểu và bắt đầu phát triển. Nhiễm khuẩn thường bắt đầu từ niệu đạo, nơi nước tiểu đào thải ra ngoài cơ thể và di chuyển lên trên đường tiết niệu.

Nguyên nhân chính gây ra ít nhất 90% các ca nhiễm trùng đường tiết niệu không biến chứng là một loại vi khuẩn có tên là Escherichia coli, còn được gọi là E.coli. Vi khuẩn này thường sống ở ruột (đại tràng) và xung quanh hậu môn. Những vi khuẩn này có thể di chuyển từ xung quanh hậu môn sang niệu đạo. Hai nguyên nhân phố biến dẫn đến việc này là do vệ sinh không đúng cách hay do quan hệ tình dục.

Thông thường, việc đi tiểu sẽ đẩy vi khuẩn ra khỏi niệu đạo. Nếu có quá nhiều vi khuẩn, việc đi tiểu cũng không ngăn được sự lây lan. Các vi khuẩn có thể lên niệu đạo đến bàng quang, nơi chúng có thể phát triển và gây nhiễm trùng.

Nhiễm trùng có thể lan rộng hơn khi vi khuẩn di chuyển từ bàng quang qua niệu quản. Nếu chúng đến thận, có thể gây nhiễm trùng thận (viêm bể thận), có thể gây bệnh trầm trọng nếu không được chữa trị kịp thời.

nhiem trung duong tiet nieu-2

90% các ca nhiễm trùng đường tiết niệu không biến chứng là một loại vi khuẩn có tên là Escherichia coli, còn được gọi là E.coli - Ảnh minh họa

Những đối tượng sau đây có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu:

• Bệnh nhân có bệnh tắc nghẽn đường tiết niệu như sỏi thận.

• Người đang mắc bệnh gây ảnh hưởng đến bàng quang (như chấn thương tủy sống).

• Phụ nữ sau mãn kinh: estrogen giảm dễ gây nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

• Người bị ức chế hệ thống miễn dịch như HIV/AIDS và bệnh tiểu đường. Những người dùng thuốc ức chế miễn dịch như hóa trị ung thư cũng có nguy cơ cao mắc bệnh

• Phụ nữ có quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục có thể đưa số lượng lớn vi khuẩn vào bàng quang. Đi tiểu sau khi quan hệ có thể làm giảm khả năng nhiễm trùng đường tiết niệu.

• Phụ nữ sử dụng màng ngăn âm đạo để tránh thai.

• Đàn ông bị phì đại tuyến tiền liệt: viêm tuyến tiền liệt hay tắc nghẽn niệu đạo do phì đại tuyến tiền liệt có thể dẫn đến bàng quang không rỗng hoàn toàn, do đó tăng nguy cơ nhiễm trùng.Đây là nguyên nhân thường gặp nhất ở đàn ông lớn tuổi.

• Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ.

Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao nhiễm trùng đường tiết niệu:

• Trẻ sơ sinh: vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua đường máu từ các vị trí khác trong cơ thể.

• Trẻ em: nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra chủ yếu do vấn đề vệ sinh.

• Bệnh nhân đặt ống thông: nhiều bệnh nhân gặp vấn đề về tiểu tiện hay không thể tự đi vệ sinh phải đặt ống thông để dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang, những đối tượng này có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

3. Nhiễm trùng đường đường tiết niệu có lây không?

Nhiễm trùng đường tiết niệu không phải là một bệnh truyền nhiễm do vậy không cần lo lắng về nguy cơ lây truyền của căn bệnh này.

4. Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu

4.1. Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới (nhiễm trùng bàng quang hoặc niệu đạo):

- Bàng quang (viêm hoặc nhiễm trùng bàng quang): lớp lót của niệu đạo và bàng quang bị viêm và kích thích.

- Khó tiểu: đau hay nóng rát khi đi tiểu

- Tần suất: đi tiểu thường xuyên hơn (hoặc tiểu đêm), thường chỉ có một lượng nhỏ nước tiểu.

- Tiểu gấp: cảm giác phải đi tiểu gấp

- Nước tiểu đục, có mùi hôi hay có máu

- Đau bụng dưới hoặc vùng chậu

- Sốt nhẹ (dưới 380C), ớn lạnh, khó chịu

- Niệu đạo (viêm niệu đạo): nóng rát khi đi tiểu.

nhiem trung duong tiet nieu

Đau bụng dưới thường là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu - Ảnh minh họa

4.2. Nhiễm trùng đường tiết niệu trên (viêm bể thận hay nhiễm trùng thận)

Các triệu chứng phát triển nhanh và có thể có hoặc không bao gồm các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu dưới: Sốt khá cao (trên 380C), ớn lạnh, buồn nôn, nôn. Đau vùng hông lưng, thường chỉ một bên.

Ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người già, có thể không xuất hiện các triệu chứng điển hình của nhiễm trùng đường tiết niệu. Cấn chú ý một số dấu hiệu khác như:

- Trẻ mới sinh: sốt hoặc hạ thân nhiệt, kém bú, vàng da.

- Trẻ sơ sinh: nôn mửa, tiêu chảy, sốt, bú kém, không phát triển mạnh

- Trẻ em: cáu gắt, ăn uống kém, sốt dai dẳng không rõ nguyên nhân, ruột mất kiểm soát, đi tiêu lỏng, thay đổi trạng thái tinh thần.

- Người già: sốt hay hạ thân nhiệt, chán ăn, thay đổi tâm trạng.

- Phụ nữ mang thai có tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Thông thường, phụ nữ mang thai không có triệu chứng bất thường. Nếu một phụ nữ đang mang thai, cần kiểm tra nước tiểu trong các lần khám thai vì các nhiễm trùng không được phát hiện có thể gây ra các biến chứng về sức khỏe khi mang thai.

Hầu hết mọi người đều có dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng, tuy nhiên, một số người thì không. Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gần giống với các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

5. Khi nào cần đến khám bác sĩ khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu?

Bất kỳ người lớn và trẻ em khi có các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu nên đến gặp bác sĩ, tốt nhất trong vòng 24 giờ.

Nếu có triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu dưới và một trong những điều dưới đây có thể có nguy cơ bị biến chứng nhiễm trùng đường tiết niệu:

- Nôn và không có khả năng giữ nước hay thuốc

- Tình trạng không tốt hơn sau khi dùng kháng sinh hai ngày

- Phụ nữ có thai

- Người bị tiểu đường hoặc các bệnh khác ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch

- Uống thuốc ức chế hệ thống miễn dịch như thuốc hóa trị ung thư

- Trẻ sơ sinh, trẻ em hay người già nên đến gặp bác sỹ càng sớm càng tốt nếu có bất kì dấu hiệu và triệu chứng nào của nhiễm trùng đường tiết niệu: Sốt, lơ mơ, chán ăn có thể là dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu ở nhóm bệnh nhân này. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho nhóm đối tượng này nếu vi khuẩn lây lan vào máu.

6. Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Phương pháp điều trị thông thường cho cả nhiễm trùng đường tiết niệu đơn giản và phức tạp là kháng sinh. Điều trị bằng kháng sinh nào phải tùy thuộc vào từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể.

Các kháng sinh phổ biến thường dùng trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu là amoxicillin, sulfamethoxazole/trimethoprim (Bactrim), ciprofloxacin, nitrofurantoin (Macrobid) và nhiều loại khác. Bác sỹ sẽ lựa chọn kháng sinh phù hợp với tình trạng của người bệnh, loại vi khuẩn gây bệnh và mức độ đề kháng kháng sinh.

Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới (viêm bàng quang, hoặc nhiễm trùng bàng quang):

• Ở bệnh nhân khỏe mạnh, thời gian điều trị khoảng 3 ngày. Ở nam giới, nếu kèm theo viêm tuyến tiền liệt, có thể phải điều trị bằng kháng sinh trong hơn 4 tuần.

• Phụ nữ nhiễm trùng đường tiết niệu có nguy cơ hoặc liên quan sớm đến thận, bất thường đường tiết niệu hay tiểu đường, thường phải điều trị bằng kháng sinh từ 5 đến 7 ngày.

• Trẻ em bị viêm bàng quang không biến chứng dùng kháng sinh trong 10 ngày.

• Để giảm bớt đau rát khi đi tiểu, phenazopyridine hay các thuốc tương tự có thể được sử dụng đồng thời với kháng sinh trong 1 - 2 ngày.

Nhiễm trùng đường tiết niệu trên (viêm bể thận):

• Ở những bệnh nhân khỏe mạnh, viêm bể thận có thể được điều trị như bệnh nhân ngoại trú. Họ có thể được truyền dịch, tiêm kháng sinh tại khoa cấp cứu, sau đó dùng kháng sinh đường uống trong 10 - 14 ngày.

• Nếu bệnh nặng, mất nước hoặc nôn liên tục, bệnh nhân phải nhập viện, truyền dịch và tiêm kháng sinh đến khi đủ khỏe mới chuyển sang kháng sinh đường uống.

• Nhiễm trùng cấp tính, phức tạp có thể phải điều trị trong vài tuần.

Bệnh nhân có thể phải nhập viện nếu có triệu chứng viêm bể thận và bất kỳ trường hợp nào sau đây:

• Ốm rất nặng

• Phụ nữ có thai

• Tình trạng không tốt hơn sau khi điều trị bằng kháng sinh ngoại trú.

• Đang mắc các bệnh làm suy giảm hệ thống miễn dịch như tiểu đường hay dùng các thuốc ức chế hệ miễn dịch.

• Buồn nôn hay nôn liên tục

• Bệnh thận từ trước, đặc biệt là viêm bể thận trong vòng 30 ngày trước.

• Sỏi thận.

Viêm niệu đạo ở nam và nữ giới có thể do vi khuẩn tương tự như bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó, người có triệu chứng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như (chảy dịch ở âm đạo hay dương vật) nên được điều trị bằng kháng sinh thích hợp. Bác sỹ phải đánh giá nước tiểu hay nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở bệnh nhân có bất kỳ cơn đau nào vùng sinh dục.

7. Các biện pháp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tại nhà

Một số biện pháp tự chăm sóc và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tại nhà như:

• Sử dụng chai nước nóng để giảm đau

• Uống nhiều nước

• Tránh các thực phẩm gây kích thích bàng quang như cà phê, rượu và thức ăn cay.

• Một số bằng chứng cho thấy nước ép nam việt quất có thể giúp chống nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tuy nhiên, đây chỉ là các biện pháp tạm thời. Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu có thể tương tự một số bệnh lý khác, nên nếu nghi ngờ nhiễm trùng đường tiết niệu, nên đến gặp bác sỹ. Xét nghiệm nước tiểu là cần thiết để xác định nhiễm trùng đường tiết niệu. Không khuyến khích tự chăm sóc tại nhà.

8. Nhiễm trùng đường tiết niệu kéo dài bao lâu sau khi điều trị bằng kháng sinh?

Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu thường khỏi trong vòng 24 giờ sau khi bắt đầu dùng thuốc. Nên uống đủ lượng kháng sinh ngay khi đã hết các triệu chứng.

Các triệu chứng đường tiết niệu trên thường mất nhiều thời gian hơn để đáp ứng với điều trị. Bệnh nhân thường được cải thiện trong vòng 24 giờ, nhưng phải mất nhiều thời gian hơn để khỏi hoàn toàn.

9. Cách phòng tránh nhiễm trùng đường tiết niệu

• Phụ nữ và trẻ em nên lau từ trước ra sau (không quay ngược lại) sau khi đi vệ sinh. Điều này giúp ngăn ngừa vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào niệu đạo

• Làm rỗng bàng quang thường xuyên và hoàn toàn, đặc biệt sau khi quan hệ tình dục.

• Uống nhiều nước

• Nước ép nam việt quất đã được chứng minh có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

10. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình điều trị

- Đối với những người bị viêm bàng quang không biến chứng hoặc viêm bể thận, điều trị bằng kháng sinh có thể giải quyết hoàn toàn nhiễm trùng.

Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây sẹo vĩnh viễn ở đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát có thể trở thành vấn đề và cần sự theo dõi chặt chẽ của bác sỹ.

- Viêm bể thận nếu không được điều trị kịp thời, có thể lan vào máu, gây nhiễm trùng nghiêm trọng.

- Tổn thương thận ngắn và dài hạn có thể là kết quả của viêm bể thận.

- Tử vong do viêm bể thận là hiếm gặp ở người khỏe mạnh.

- Các yếu tố liên quan đến kém đáp ứng là tuổi già, suy nhược nói chung, sỏi thận, nhập viện gần đây, tiểu đường, bệnh hồng cầu hình liềm, ung thư hay bệnh thận mãn tính.

Tóm lại, nhiễm trùng đường tiết niệu là một căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa trị nếu phát hiện sớm và chủ động thăm khám để chữa trị. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sỹ. Các bà mẹ mang thai cũng nên thăm khám và xét nghiệm định kỳ để phát hiện và điều trị sớm nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tham khảo: https://www.medicinenet.com/urinary_tract_infection/article.htm

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn