Biến chủng virus Covid-19 mới nguy hiểm như thế nào?

14:38 | 28/01/2021;
Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp mắc biến chủng COVID-19 mới. Đây là biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70% so với chủng cũ.

Mới đây, cơ quan y tế Việt Nam nhận được thông tin một nữ lao động (trú tại TP. Chí Linh, Hải Dương) đã được phát hiện nhiễm virus SARS-Cov-2. Đó là trường hợp chị N.T.G.

Trước đó, mgày 17/1, chị N.T.G. từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) quá cảnh ở Singapore và tiếp đó đến Nhật Bản theo diện lao động xuất khẩu. Sau khi xuống sân bay, nữ công nhân này được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19). Kết quả xét nghiệm (qua giải trình tự gen) ngày 26/1 cho kết quả dương tính với Covid-19 chủng biến thể từ Anh. Chủng này đã xuất hiện tại hơn 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 Được biết, trước khi xuất khẩu lao động, chị G. là công nhân tại một khu công nghiệp ở TP. Chí Linh. Cơ quan chức năng đã rà soát, xét nghiệm và xác định có thêm 72 người tại Chí Linh nhiễm Covid-19, trong đó có BN1522. Chính quyền địa phương cho biết, BN1522 và chị G. là chị em chồng, trước khi sang Nhật Bản, chị G. làm việc cùng phòng Cắt (Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam) và thường đi làm cùng xe máy với chị G.

Hiện tại, 28/1, cơ quan y tế Việt Nam đang thực hiện xét nghiệm giải trình tự gene, tương tự xét nghiệm phía Nhật Bản đã làm, để xác định xem cô có nhiễm virus SARS-CoV-2 chủng mới hay không.

Trước đó, ngày 22/12/2020, sân bay Cần Thơ đón chuyến bay VN50 từ Anh tới Việt Nam với 305 hành khách. Trong số này, có 147 người cách ly tập trung tại Trà Vinh, 137 người cách ly ở Vĩnh Long, 17 người cách ly ở Cần Thơ và 4 người cách ly tại TP. HCM.

Sau khi xét nghiệm lần 1, các địa phương phát hiện 6 người mắc Covid-19. Sau đó, Viện Pasteur TP. HCM đã đánh giá, phân loại và giải trình tự gene và phát hiện BN1435 nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 - biến thể VOC 202012/01. Đây là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời chủng gây bệnh cho bệnh nhân này cũng có đột biến D614G vốn là chủng được cho là lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng.

Dư luận đặt câu hỏi, biến thể virus Covid-19 chủng mới ở Anh nguy hiểm như thế nào?

Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, USA) cụm từ "chủng biến thể" (variant) được sử dụng để chỉ các chủng virus có một số thay đổi về "trình tự gene" của chúng so với chủng gốc được phát hiện hồi năm 2019 ở Vũ Hán (Trung Quốc). Sự biến đổi về "trình tự gene" của virus sau 1 khoảng thời gian là một hiện tượng xảy ra một cách tự nhiên vì trong quá trình lây nhiễm, sinh sản, chúng sao chép bộ gene của chúng và tạo ra những lỗi (như lỗi đánh máy). Tính cho đến nay, số lượng chủng biến thể của virus nCoV trên thế giới được phát hiện bằng phương pháp giải trình tự bộ gene từ người bệnh một cách ngẫu nhiên đã đạt con số vài ngàn. Tuy nhiên, con số thực tế của chủng biến thể có thể nhiều hơn. Hầu hết các chủng biến thể mà các nhà khoa học quan tâm là các chủng có sự biến đổi trên trình tự gene mã hóa cho protein S, một bộ phận trên màng được virus sử dụng như chìa khóa để tấn công vào tế bào người qua thụ thể có tên là ACE2.

Chủng virus biến thể từ Anh, được đặt tên là "VUI – 202012/01" (Variant Under Investigation", tạm dịch là "Biến thể đang được điều tra". Chủng này có 17 đột biến trên bộ gene của nó, trong đó đột biến mà các nhà khoa học quan tâm nhất là N501Y, dẫn đến sự thay đổi trình tự amino acid trên protein S của virus ở vị trí 501, từ asparagines (viết tắt là N) thành tyrosine (viết tắt là Y). Sự biến đổi này có thể làm tăng "ái lực" (lực gắn kết) protein S của virus và thụ thể ACE2 của tế bào con người, từ đó dẫn đến virus dễ bám và xâm nhập vào tế bào hơn, dễ lây nhiễm hơn. Điều này có thể giúp giải thích cho việc gần đây số lượng người nhiễm chủng biến thể này chiếm đa số. Chủng này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2020.

Các lo ngại khác như "tăng độ độc" hoặc "làm các vaccine không nhận biết được" là chưa có cơ sở vì cho đến nay vẫn chưa có báo cáo khoa học cho thấy các bệnh nhân mắc loại virus biến thể này làm người nhiễm COVID-19 mắc bệnh nặng hơn và cũng chưa thấy sự tăng lên bất thường của những người tái nhiễm virus nCoV.

Hầu hết các vaccine ở đầu danh sách trong cuộc đua hiện nay đều nhắm đến chiến lược nhận biết virus nCoV qua protein S. Các thiết kế vaccine hầu hết đều nhắm đến việc tạo phản ứng miễn dịch của cơ thể trên tổng chiều dài đầy đủ (full length) của protein này với kích thước trên 1000 amino acids. Do vậy, việc đột biến một vài amino acid trên protein S ở các chủng biến thể hiện nay khó có thể làm thay đổi hoàn toàn đặc điểm nhận dạng miễn dịch mà các vaccine đã thiết kế.

"Vậy lúc nào là lúc đáng lo sợ nhất về chủng biến thể mới của virus nCoV? Đó là khi mà những người đã từng nhiễm virus một cách tự nhiên hoặc những người được chích vaccine bắt đầu bị nhiễm lại dù rằng trong cơ thể của họ vẫn có kháng thể để nhận biết virus", TS. Vũ nói

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, biến chủng này làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, đột biến trên vùng gene N501Y của virus corona. Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Ngành Y tế Việt Nam đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu. Hiện Bộ Y tế chỉ đạo các viện Trung ương tăng cường giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm, đặc biệt khu vực châu Âu và ở các nước có biến chủng này để xem khả năng lây truyền thế nào, khả năng xâm nhập vào Việt Nam ra sao.

PNVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn