Biến chủng virus COVID-19 mới ở Nam Phi có thể "vô hiệu hóa" các vaccine khẩn cấp hiện nay

12:11 | 21/01/2021;
"Khi protein S của chủng đột biến mới này không còn được nhận diện bởi các kháng thể thì khả năng chủng mới này có thể tái nhiễm lên người đã nhiễm chủng cũ có thể xảy ra. Nguy hiểm hơn nữa là nó có thể làm cho các vaccine đang được sử dụng khẩn cấp hiện nay trở nên vô dụng", T.S Vũ nói.

Liên quan đến biến chủng virus COVID-19 trên thế giới, ngày 21/1, TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, USA) cho biết, khi đại dịch kéo dài, virus vẫn tồn tại ở nhiều nơi và tiếp tục tiến hóa tạo ra các chủng khác nguy hiểm hơn. Cho đến nay, dù đã có hơn 4.000 chủng đột biến đã được nhận diện bởi các nhà khoa học nhưng may mắn là các chủng này vẫn còn nằm trong "vòng kiểm soát", kể cả chủng đột biến mới ở Anh. Dù rằng đột biến N501Y trên protein S của chủng này làm cho chúng có thể làm tăng tốc độ lây lan lên đến 50-70% so với chủng cũ.  Tuy nhiên, một chủng đột biến mới gần đây được phát hiện ở Nam Phi, tên là SARS-CoV-2 501Y.V2, có lẽ đã "vượt ra khỏi tầm kiểm soát" hiện nay của con người và chứa đựng nguy cơ mang lại một đại dịch mới.

Theo TS. Vũ, báo cáo khoa học mới đây của nhóm nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy, chủng SARS-CoV-2 501Y.V2 có nhiều sự thay đổi trên protein S. Protein quan trọng đóng vai trò trong việc lây nhiễm của virus. Cụ thể:

Ở vùng N của protein S có chứa 4 đột biến làm thay đổi amino acid (L18F, D80A, D215G và R246I) và 1 đột biến mất đoạn (Δ242-244).

Ở vùng bám lên thụ thể tế bào người (Receptor Binding Domain, RBD) có chứa 3 đột biến làm thay đổi amino acid (K417N, E484K và N501Y).

Các đột biến trên đã làm thay đổi cấu trúc của protein S một cách "nguy hiểm" cho con người. Trong các thí nghiệm được thực hiện để kiểm tra độ trung hòa của kháng thể và virus cho thấy, chủng đột biến mới này "không còn được nhận biết" bởi các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies) được dùng trước đó để bám lên protein S. Thậm chí, hỗn hợp kháng thể đa dòng (polyclonal antibodies) trong huyết tương của người đã từng nhiễm chủng cũ trước đó cũng khó mà nhận diện được. Khi protein S của chủng đột biến mới này không còn được nhận diện bởi các kháng thể trên thì khả năng chủng mới này có thể tái nhiễm lên người đã nhiễm chủng cũ có thể xảy ra. Nguy hiểm hơn nữa là nó có thể làm cho các vaccine đang được sử dụng khẩn cấp hiện nay trở nên vô dụng.

TS. cho rằng, các nghiên cứu sâu hơn về chủng mới này cần được thực hiện để hiểu thêm về độc tính, độ lây nhiễm, phản ứng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, một động thái cô lập các vùng nhiễm chủng mới của Nam Phi có lẽ nên được thực hiện ngay để tránh lây lan và tạo một đại dịch mới.

Hơn nữa, các kết quả khoa học mới đây từ Nam Phi là một lời cảnh báo quan trọng về cuộc chiến của con người với đại dịch COVID-19 tưởng chừng như sắp kết thúc có thể trở nên phức tạp hơn. "Tôi chắc rằng các nhóm nghiên cứu vaccine COVID-19 trên thế giới cũng đang rốt ráo chuẩn bị phương án B để thay đổi lại cấu trúc vaccine cho phù hợp với chủng mới nếu cần thiết", TS. Vũ nói.

TS. Vũ cũng  hy vọng Việt Nam nên coi đây là mối quan tâm hàng đầu trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Việc nhập cảnh của những người đến từ Nam Phi nên được kiểm soát kỹ hơn, không để chủng mới này lây nhiễm trong cộng đồng. Các nhà sản xuất vaccine của Việt Nam cũng nên bắt đầu chuẩn bị cho các kế hoạch thiết kế lại vaccine của họ để đối phó với làn sóng mới (có thể xảy ra) của đại dịch.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn