Ngày Vệ sinh Kinh nguyệt Thế giới: Biến điều khó nói thành điều bình thường

16:51 | 27/05/2022;
Ngày Vệ sinh Kinh nguyệt Thế giới được tổ chức vào ngày 28/5 hàng năm, là sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo sức khỏe, vệ sinh kinh nguyệt cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.

Nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, hỗ trợ phụ nữ Việt Nam Có sức khỏe (trong xây dựng người phụ nữ Việt nam thời đại mới) và hỗ trợ xây dựng Gia đình Có sức khỏe (trong xây dựng Nông thôn mới, đo thị văn minh), nhân Ngày Vệ sinh Kinh nguyệt Thế giới 2022, Hội LHPN Việt Nam hợp tác với UNICEF Việt Nam và Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tổ chức chuỗi hoạt động truyền thông và vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, của các cấp quản lý Nhà nước có liên quan về việc bảo đảm vệ sinh kinh nguyệt cho phụ nữ và trẻ em gái.

“Biến điều khó nói thành điều bình thường” - Ảnh 1.

Các khách mời tham gia hội thảo

Sự kiện hướng tới việc vận động tập hợp tiếng nói và hành động toàn cầu của các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, khu vực tư nhân, các cơ quan thông tin truyền thông và tất cả mọi người nhằm biến điều khó nói trở thành điều bình thường và những điều cấm kỵ và kỳ thị về "kinh nguyệt" không còn tồn tại trong xã hội vào năm 2030.

Không được tiếp cận đầy đủ các điều kiện vệ sinh kinh nguyệt ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận giáo dục, sức khỏe và địa vị xã hội của phụ nữ và trẻ em gái. Đây là một trong những yếu tố cản trở hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái phát huy hết tiềm năng của mình. 

Thiếu hiểu biết về vệ sinh kinh nguyệt ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái và dẫn đến những điều cấm kỵ và kỳ thị tồn tại trong xã hội.

Kết quả khảo sát đầu vào năm 2020 của dự án "Tự tin là chính mình" do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với tổ chức Plan International thực hiện cho thấy có tới 37,6% học sinh nữ thiếu kiến thức và trên 40% chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề vệ sinh kinh nguyệt. Cũng theo kết quả khảo sát này, 46,5% phụ huynh chỉ có kiến thức ở mức trung bình. Thực tế, trẻ em gái vị thành niên hiện vẫn đối mặt với nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, bị lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm trùng cơ quan sinh sản. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm trùng cơ quan sinh sản được ước tính là trên 50% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15-49 tuổi).

Ngoài ra, việc trẻ em trai thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản nên chưa hiểu và chia sẻ những khó khăn mà các em gái gặp phải trong kỳ kinh nguyệt, góp phần vào những quan niệm sai lầm, những điều cấm kỵ, kỳ thị hoặc có thái độ, cư xử chưa đúng, khiến trẻ em gái xấu hổ và mất tự tin…

“Biến điều khó nói thành điều bình thường” - Ảnh 3.

Chương trình do Hội LHPN Việt Nam hợp tác với UNICEF Việt Nam và Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tổ chức

Theo bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ, việc thiếu hiểu biết về vệ sinh kinh nguyệt dẫn đến những điều cấm kỵ và kỳ thị còn tồn tại trong xã hội. Theo kết quả khảo sát tại 160 quốc gia năm 2020, 47% phụ nữ và trẻ em gái hiện đang thiếu tiếp cận với các sản phẩm kinh nguyệt hợp vệ sinh, 6% trong số người được hỏi hiện thiếu tiếp cận với nhà tiêu hợp vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt. Những vấn đề này khiến nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị thiếu tiếp cận với giáo dục, không được đảm bảo sức khỏe và địa vị xã hội. Kết quả là, hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái không thể phát huy hết tiềm năng của họ.

Ở Việt Nam, chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung và sức khỏe sinh sản phụ nữ và trẻ em gái là nội dung được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện (Nghị quyết 20, 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về dân số và chăm sóc sức khỏe nhân dân - 2019, Luật bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân 1989). Đối với phụ nữ, có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản đóng vai trò rất to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng được cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe một cách đầy đủ, đúng khoa học. Nếu chú ý nhiều hơn đến chu kỳ "nguyệt san" hàng tháng, phụ nữ, nữ thanh niên sẽ hiểu thêm về sức khỏe thể chất và tinh thần của mình; từ đó có thể truyền đạt, chia sẻ các kiến thức cho các thành viên trong gia đình, cộng đồng.

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền, Bí thư đoàn trường THPT Hoàng Cầu, Q.Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: "Cùng với sự phát triển của truyền thông, học sinh nữ ở thành thị có nhiều nguồn tiếp cận các thông tin, kiến thức về sức khoẻ sinh sản vị thành niên. Tuy nhiên, đôi khi cách tiếp cận tìm hiểu của học sinh không khoa học, nguồn thông tin không chính xác, không được kiểm duyệt nên khiến các em hiểu sai, bảo vệ sức khoẻ bản thân sai cách... gây nhiều hậu quả: viêm nhiễm, thậm chí mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư tử cung... Chúng tôi mong muốn của các em học sinh là có 1 chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì thiết thực, hiệu quả hơn, khoa học hơn tại các trường học".

“Biến điều khó nói thành điều bình thường” - Ảnh 4.

Em Ngân Giang, học sinh lớp 11A6 (trái) và cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền (trường THPT Hoàng Cầu, Hà Nội)

Học sinh Ngân Giang, học sinh lớp 11A6 trường THPT Hoàng Cầu, bày tỏ mong muốn: "Chúng em đang ở độ tuổi mới lớn, có rất nhiều băn khoăn, bối rối. cần được thường xuyên quan tâm, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng về tuổi dậy thì, về quản lý vệ sinh kinh nguyệt. Em cũng mong rằng nhà vệ sinh trong trường học sẽ sạch sẽ hơn, thân thiện hơn, có hộp băng vệ sinh dự phòng để chúng em không phải trì hoãn thay băng vệ sinh tại trường học. Đặc biệt, em cũng mong rằng các dự án hỗ trợ về vệ sinh kinh nguyệt, nhà vệ sinh thân thiện sẽ được duy trì và nhân rộng ra các trường học khác, để cho các bạn học sinh khác cũng như thế hệ các em học sinh lớp sau cũng nhận được sự đồng hành, hỗ trợ kiến thức và kỹ năng về quản lý vệ sinh kinh nguyệt một cách tự tin, thoải mái nhất. Đây là những kiến thức, kỹ năng rất bổ ích, theo chúng em đi suốt cả cuộc đời".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn