Hỏi: Chồng tôi rất hay đánh chửi tôi vô cớ trong nhiều năm và bây giờ tôi muốn ly hôn. Nhưng khi nghe tôi nói vây, thì chồng tôi lại đánh tôi nhiều hơn và dọa giết tôi. Thưa Luật sư, nếu tôi vẫn muốn nộp đơn lên tòa và quyết tâm ly hôn thì luật pháp có cách nào để biện pháp nào để bảo vệ tôi hay không? - Lan Phương (Nghệ An)
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 51, 56 Luật Hôn nhân và gia đình, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Căn cứ theo quy định trên, bạn hoàn toàn có quyền nộp đơn yêu cầu ly hôn.
Bạn là nạn nhân của bạo lực gia đình. Bạn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình; yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Bạn có thể làm đơn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình hoặc Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình áp dụng cấm tiếp xúc trong thời hạn tương ứng không quá 3 ngày hoặc không qúa 4 tháng khi có đủ các điều kiện:
- Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
- Đã xảy ra hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;
- Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc (Nơi ở khác bao gồm: nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện chuyển đến ở).
Ngoài ra, bạn có thể làm đơn trình báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi đánh đập, dọa giết của chồng bạn để xử phạt vi phạm hành chính theo các Điều 49, 50, 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng hoặc bị truy tố trách nhiệm hình sự khi có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm của “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” (Điều 185 Bộ luật hình sự) hoặc “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134 Bộ luật hình sự) hoặc "Tội đe dọa giết người" (Điều 133 Bộ luật hình sự).