Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng về tư duy thiết kế và đổi mới. Ngay cả trong việc tránh nóng, người dân Nhật Bản cũng sáng tạo ra rất nhiều cách để vượt qua những tháng hè oi ả nóng bức.
Đối với nhiều người, áo lót, áo croptop và quần short là sự kết hợp trang phục hoàn hảo vào mùa hè. Tuy nhiên, người Nhật Bản lại lựa chọn các bộ quần áo rộng thùng thình. Yuri Cath, người dân ở Yokohama, giải thích rằng mặc quần áo rộng sẽ cho phép không khí được lưu thông xung quanh cơ thể, tạo nên cảm giác thoáng mát.
Ngoài ra, quần áo rộng còn phù hợp với văn hóa thời trang của xứ Phù Tang. Cath lý giải: “Phần lớn người Nhật không thích ăn mặc hở hang, nên họ đã sáng tạo nên các trang phục rộng thùng thình mà vẫn hợp thời trang”.
Nhiều nhà bán lẻ quần áo, như Uniqlo đã nhận ra nhu cầu trang phục vào mùa hè của người Nhật. Họ cho ra mắt nhiều loại quần áo rộng và mỏng phù hợp với thị hiếu người dân. Hơn nữa, họ còn tung ra nhiều phiên bản hiện đại của yukata (một loại kimono mùa hè, được làm bằng vải mát cotton). Chưa hết, ở Nhật còn có một loại áo khoác đặc biệt, được tích hợp quạt điện bên trong. Khi kéo khoá, chiếc áo sẽ bật hệ thống làm mát khép kín cho người mặc.
Giống như nhiều nền văn hóa khác ở châu Á, người Nhật tin rằng, thức ăn cay sẽ đem lại nguồn năng lượng cho cơ thể sau một ngày nóng bức mệt mỏi. Ngoài ra, ăn cay sẽ giúp đổ mồ hôi nhiều hơn, từ đó làm mát cơ thể.
Nhiều du khách khi đến Nhật Bản để ý rằng, một số chủ cửa hàng thường hất nước xuống đường trước cửa tiệm. Đây là một phương pháp chống nóng cổ xưa, có tên gọi uchimizu. Theo đó, mọi người sẽ vẩy nước bằng tay hoặc hất nước từ xô xuống mặt đất, nhằm làm mát không khí và giảm thiểu bụi bặm. Trong nhiều thập kỷ, Liên đoàn Nước Nhật Bản (Japanese Water Federation) đã thực hiện chiến dịch kêu gọi người dân tưới nước, nhất là bằng nước mưa thay vì nước máy để tránh lãng phí.
Mặc dù có rất ít nghiên cứu về uchimizu, nhưng một thí nghiệm của Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan (Delft University of Technology) đã kết luận rằng, phương pháp tưới nước của Nhật Bản có khả năng làm giảm đáng kể nhiệt độ ở các khu đô thị trải nhựa đường.
Triết lý này biểu thị sự vô thường của vạn vật, tức không có cái gì là tồn tại vĩnh viễn, kể cả cái nóng “cháy da cháy thịt”. Vì thế, mỗi khi trời nóng, người Nhật thường tâm niệm rằng cái nóng rồi sẽ qua thôi.
Để lý giải cho quan niệm trên, trong một phỏng vấn với South China Morning Post, nhà báo Richard Lloyd Parry ở Tokyo đã đưa ra giả thuyết rằng do phải đối mặt thường xuyên với thời tiết khắc nghiệt, người Nhật đã hình thành nên quan niệm sâu sắc về chủ nghĩa định mệnh, hay đơn giản là chấp nhận thực tại.
Trong tiếng Nhật, “fu” là gió, “rin” là chuông. Furin là chiếc chuông treo nhỏ, được coi như một biểu tượng truyền thống về mùa hè của Nhật Bản, thường được treo trước cửa nhà. Furin được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, như kim loại hoặc sứ, nhưng hầu hết được chế tạo từ thủy tinh. Khi có gió thổi, furin tạo nên tiếng chuông vui tai. Vì vậy, âm thanh nhẹ nhàng, thanh mảnh đặc trưng của furin khiến nhiều người liên tưởng đến làn gió mát lạnh giữa cơn nắng hạ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn