"Biến phế liệu thành những việc có ích" góp phần thu hút hội viên

18:00 | 04/11/2022;
Hội LHPN thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã tổ chức thu gom rác thải tái chế góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời biến thành những mô hình có ích giúp đỡ hội viên nghèo.

Biến phế liệu thành con giống

Hiện nay, tại nhiều nơi, rác thải tái chế như túi nilon, chai lọ, vỏ nhựa, thùng giấy… thường bị các hộ gia đình vứt vương vãi. Thậm chí, có hộ gia đình có vứt bỏ ra đường làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường. Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời gây quỹ giúp đỡ hội viên, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, Hội LHPN thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã thành lập mô hình "Biến phế liệu thành những việc có ích". Sau đó, các Chi hội tùy theo điều kiện thực tế mà thành lập những mô hình phù hợp.

Chị Nguyễn Thị Hằng, Chi hội trưởng Khối Quang Trung (thị trấn Nam Đàn) cho biết, sau khi nghiên cứu tình hình thực tế, Chi hội quyết định thành lập mô hình "Biến phế liệu thành con giống" với 10 hội viên tham gia. Theo đó, các hội viên sẽ đến nhà chị em phụ nữ tuyên truyền, thu gom phế thải như vỏ chai nhựa, lon bia,... sau đó bán cho các đại lý thu mua. Số tiền thu được, Chi hội sử dụng mua con giống hỗ trợ cho các hội viên trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Đặng Thị Kim Hoa (Khối Quang Trung), một hội viên được nhận con giống hỗ trợ cho biết, trước đây gia đình rất khó khăn. Biết hoàn cảnh gia đình, Chi hội Phụ nữ hỗ trợ cho tiếp cận vốn Ngân hàng chính sách xã hội và vốn TYM. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ thêm đàn gà giống từ nguồn quỹ thu mua phế liệu để gia đình có thêm công việc làm, phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình chị đã ổn định hơn.

Những mô hình có ích từ rác thải tái chế giúp hội viên nghèo  - Ảnh 1.

Hội Phụ nữ tặng làn nhựa, thùng rác nhựa cho người dân từ số tiền bán rác thải tái chế

Chia sẻ về mô hình này, chị Hằng cho biết, khi mới triển khai chi hội cũng gặp không ít khó khăn bởi người dân chưa ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, chưa có thói quen tiết kiệm. Nhiều người dân cho rằng, thu gom rác thải tái chế rất mất công mà số tiền thu chẳng được là bao nên vẫn giữ thói quen vứt vào thùng rác. Do đó, các chị trong chi hội kiên trì, trách nhiệm và rất nhiệt tình trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền để mọi người hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của việc làm này, vận động họ tích cực tham gia mô hình. Dần dần, người dân đã tin theo và ủng hộ. Từ 10 hộ gia đình hội viên tham gia ban đầu, đến nay đã tăng dần lên và đến nay cả khối đã tham gia. Theo thời gian số tiền thu được ngày càng lớn dần, riêng chi hội Quang Trung đã thu được nguồn quỹ 3,2 triệu đồng hỗ trợ cho 4 hộ mua đàn con giống tặng cho 4 hộ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.  

Biến phế liệu thành thùng rác, làn nhựa

Chi hội Phụ nữ phố Mai Hắc Đế (thị trấn Nam Đàn) thì có cách làm khác. Theo đó, chi hội tuyên truyền cho các hộ dân tham gia mô hình sẽ tự thu gom, phân loại rác ngay tại nhà.

Đối với loại rác có thể tái chế như vỏ lon bia, chai nhựa, giấy vụn sẽ được chủ nhà chủ động đưa đến tập kết tại nhà Chi hội trưởng. Những hộ không có thời gian mang đến, Ban cán sự cử 1-2 thành viên đến tận nơi để lấy. Vào các ngày thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần, các loại phế liệu sẽ được các thành viên trong tổ thu gom tiếp tục phân loại, đóng vào bao rồi đem bán. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán phế liệu sẽ được bổ sung vào quỹ mua thùng rác thông minh hoặc làn nhựa tặng cho các hộ gia đình trong khối. Thấy hiệu quả của mô hình của Hội, các cửa hàng tạp hoá, quán cà phê, quán hàng ăn cũng đã gom phế liệu hàng tuần hỗ trợ cho Hội.

Những mô hình có ích từ rác thải tái chế giúp hội viên nghèo  - Ảnh 2.

Các bộ Hội Phụ nữ thị trấn Nam Đàn thu gom rác thải tái chế tại nhà người dân

Từ khi triển khai đến nay, Chi hội Quang Trung đã mua tặng được 80 thùng rác văn minh đặt trước cổng nhà dân và 150 làn nhựa đi chợ nhằm hạn chế túi ni lông thải ra môi trường.

Đối với Khối Hà Long (thị trấn Nam Đàn), ngoài việc thực hiện mô hình thu gom phế liệu, chi hội cũng tích cực tham gia nhận các công việc như vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây ven đường lấy tiền đưa vào quỹ. Sau khi thu được số tiền hơn 5 triệu đồng từ việc gom phế liệu trong khối, chi hội đã mua 1 chiếc xe đạp, 5 chiếc cặp sách mua tặng cho các cháu học sinh trong khối có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi.

Hỗ trợ hội viên nghèo

Bà Trịnh Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN Thị trấn Nam Đàn cho biết, thị trấn Nam Đàn sau khi sáp nhập có diện tích đất tự nhiên rộng, dân số đông với 18,7 km2 với 22.442 nhân khẩu. Những năm gần đây, thị trấn đang ra sức thi đua xây dựng đô thị văn minh, giàu mạnh mang nhiều khởi sắc mới.

Những mô hình có ích từ rác thải tái chế giúp hội viên nghèo  - Ảnh 3.

Rác thải tái chế được bán cho đại lý thu gom, số tiền thu được dùng làm quỹ hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hộ dân còn nghèo khó, những phụ nữ đơn thân, người già cả neo đơn, trẻ em mồ côi… Đây là nỗi trăn trở đã thôi thúc Hội phụ nữ thị trấn Nam Đàn phải tìm mọi giải pháp vừa đem lại lợi ích kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường sống.

Tháng 10/2020, Hội LHPN Thị trấn Nam Đàn xây dựng Kế hoạch chỉ đạo các đơn vị khối, xóm thực hiện mô hình gây quỹ giúp hội viên nghèo, trẻ em mồ côi khó khăn bằng cách thu gom phế liệu từ các hộ gia đình. Từ đó, mô hình "Biến phế liệu thành những việc có ích" ra đời. 

Theo bà Yến, khi mới triển khai mô hình, Hội xác định hội viên phụ nữ phải là lực lượng nòng cốt, thực hành trước để từ đó hình thành thói quen trong gia đình mình. Từ đó, Hội phụ nữ phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động để không chỉ hội viên mà tất cả người dân đều nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ý nghĩa của hành động thu gom phế liệu và hiệu quả của mô hình. Tuy là việc làm nhỏ, nhưng mô hình này lại mang ý nghĩa lớn, được chị em và nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Sau một thời gian triển khai, các cấp Hội phụ nữ thị trấn đã bán ra được 130.416kg phế liệu thu được số tiền 469.500.000 đồng. Hội đã tặng 5 con lợn, 590 con gà giống, 3 chiếc xe đạp, 10 cặp sách mới, 384 thùng rác văn minh, 1.450 làn nhựa cho gia đình hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. 

Có thể thấy, sự thành công của mô hình "Biến phế liệu thành những việc có ích" tại thị trấn Nam Đàn không chỉ tạo được tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa các hội viên mà còn thu hút được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Đồng thời, góp phần thực hiện tiêu chí "Không đói nghèo", "Sạch nhà,sạch bếp, sạch môi trường" của cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", xây dựng đô thị văn minh, giàu đẹp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn