Biến rác thành nước rửa chén, tạo thu nhập cho hội viên, phụ nữ

08:33 | 08/12/2023;
Mô hình khởi nghiệp sản xuất và kinh doanh nước rửa chén sinh học Bình Ngọc (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) được phát triển từ mô hình "Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học".

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng  cho biết: Hiện nay, xu hướng sử dụng sản phẩm từ tự nhiên, không hóa chất độc hại ngày càng phổ biến. Đã có nhiều sản phẩm được làm hoàn toàn từ các chất hữu cơ và nước rửa chén sinh học cũng vậy. Điểm mạnh của nước rửa chén sinh học Bình Ngọc là được sản xuất từ các thành phần tận dụng từ các loại vỏ trái cây (như: cam, chanh, bưởi, khóm...), không chứa các chất độc hại như phosphate hay hóa chất gây ô nhiễm. Nước rửa chén sinh học thường có công thức tiết kiệm nước, giúp tiết kiệm tài nguyên quý giá và sử dụng hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc giảm lượng nước và năng lượng cần thiết để làm sạch và rửa chén.

PV: Bên cạnh những ưu điểm đó, sản phẩm còn điểm gì chị cần khắc phục?

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng: Nước rửa chén sinh học Bình Ngọc mới ra đời nên chưa được phổ biến, quảng bá rộng rãi trên thị trường. Sản phẩm nước rửa chén sinh học không đậm đặc bằng sản phẩm nước rửa chén hóa học và chi phí sản xuất cũng cao hơn so với các loại nước rửa chén hóa học thông thường. Điều này đòi hỏi chúng tôi đầu tư và kỹ năng tiếp thị để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

PV: Được biết, mô hình khởi nghiệp của chị đã tác động tích cực tới hội viên, phụ nữ địa phương. Xin chị chia sẻ thêm về thông tin này?

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng: Khi xây dựng mô hình khởi nghiệp, tôi luôn trăn trở cách để giúp chị em phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có việc làm, tăng thu nhập, vừa tạo ra những sản phẩm hữu ích, đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt là nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc biến rác thải thành tài nguyên và chung tay bảo vệ môi trường. Để mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, tôi và Hội LHPN xã đã chỉ dẫn cụ thể cho các chị tham gia, hướng dẫn từ khâu thu gom các loại rác thải hữu cơ như vỏ cam, chanh, bưởi, các loại vỏ củ quả... tại các điểm bán nước giải khát ở thành phố Tuy Hòa và ở các chợ, với số lượng 200-300 ký rác hữu cơ mỗi ngày. Sau đó, chúng tôi hướng dẫn chị em thực hiện quy trình ủ rác phế thải hữu cơ thành sản phẩm. Dự án này có thể tạo ra nhiều việc làm cho phụ nữ, bao gồm cả việc chế tạo, đóng gói, vận chuyển và tiếp thị sản phẩm… Từ đó, chị em có thể có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tham gia mô hình, nhiều chị em phụ nữ nghèo đã thoát nghèo, tăng thu nhập từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/tháng.

PV: Xin cảm ơn chị!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn