Biến thành đứa trẻ ‘lươn lẹo’ để được nhận những lời ngợi khen của mẹ

11:15 | 21/02/2019;
Mẹ giận dữ khi phát hiện con thường xuyên nói dối. Mẹ mất niềm tin khi cho rằng “không biết khi nào con nói thật, khi nào con nói dối”. Con biết nói dối là sai, là không đúng. Thế nhưng, chỉ có cách ấy, con mới nhận được niềm vui, lời khen ngợi của mẹ.

Từ nhỏ, mẹ vẫn dạy con phải trung thực, thật thà và tuyệt đối không nói dối bố mẹ. Mẹ cũng thường xuyên khuyến khích con nói thật, chia sẻ với mẹ những việc con làm, những điều con suy nghĩ. Những điều ấy nếu không tốt, không đúng, nhưng nếu nói thật thì mẹ sẽ không mắng con.

 

noi-doi1.jpg
Con nói dối với mong muốn nhận niềm vui, lời khen ngợi từ mẹ. Ảnh minh họa

 

Thế nhưng, ngày nào đi học về, điều đầu tiên mẹ hỏi là hôm nay con được mấy điểm? Ngồi trong lớp con không tập trung nên con thường xuyên nhận điểm kém. Nhớ lời mẹ dặn phải nói thật, con cũng ngập ngừng trả lời được điểm 5, điểm 6. Lúc ấy, con thấy mặt mẹ đỏ bừng bừng. Không kiềm chế được, mẹ chửi bới con rất thậm tệ. Rằng, “học hành kiểu gì mà ngu thế, giờ được điểm 5, điểm 6 thì đi học làm gì cho phí cơm phí gạo hay bố mẹ có dốt đâu mà sao đẻ ra đứa con dốt thế…”. Chửi mắng con xong, mẹ lại coi như không có chuyện gì xảy ra. Mẹ lại động viên, giục giã con học tập, rằng con là niềm tự hào của bố mẹ, rằng bố mẹ chỉ biết đặt niềm tin vào con, làm mọi thứ cũng chỉ vì mong con có một tương lai tốt đẹp nhất.

Sau đó, trong câu chuyện với con, mẹ thường buột mồm khen bạn Đức học giỏi Toán; Văn của bạn Hà vô cùng mượt mà, mềm mại' bạn Ngọc Trang nói tiếng Anh như gió… Mẹ cứ xuýt xoa và nói một mình nhưng cố tình để “lọt tai” con: "Giá như con mình cũng giỏi, cũng có khả năng ấy thì thật hạnh phúc".

Sau đấy, buổi chiều đi học về, khi mẹ hỏi con mấy điểm, con đã không nói thật những điểm kém của mình mà nói rằng con được điểm 9, 10. Con nói với mẹ rằng dạo này con tập trung nghe giảng nên hiểu bài hơn, con hay phát biểu xây dựng bài, con được cô giáo khen rất nhiều. Mẹ đã rất vui khi con nói như thế. Mẹ hỏi con muốn ăn gì, thậm chí mẹ còn hào phóng cho con tiền đi ăn quà. Những buổi tối hôm ấy, không khí gia đình mình thật ấm áp, vui vẻ. Tiếng nói, tiếng cười rộn rã. Không còn cảnh mẹ quát mắng, nhiếc móc con.

Từ đó, con rút ra “bài học” cho mình: Nói dối không tệ, không những không bị mắng mà còn khiến mẹ hạnh phúc. Nói dối mà mang lại niềm vui cho mọi người thì cũng nên lắm chứ.

 

noi-doi-2.jpg
Con đang gánh hậu quả của việc nói dối khi bị gọi là đứa trẻ 'lươn lẹo". Ảnh minh họa

 

Ban đầu, con chỉ nói dối mẹ về điểm số. Dần dần, con nói dối sang nhiều việc khác như xin tiền mẹ để nộp khoản nọ khoản kia nhưng thực tế là con mua đồ chơi, đồ ăn. Con nói dối chuyện đi đánh điện tử, các chuyện ở lớp, các chuyện xảy ra với con. Lần nào con cũng “thoát nạn” từ những “câu nói dối chuyên nghiệp, ngọt ngào, thật hơn cả thật”.

Không phải con không cố gắng để mẹ được hạnh phúc nhưng khả năng tiếp nhận kiến thức của con hạn chế nên con học mãi vẫn nằm ở "top dưới" của lớp. Không phải con không biết hậu quả của việc nói dối là sẽ khiến người khác không tin tưởng, khiến người khác mất niềm tin nhưng việc “nói dối giờ đã ngấm vào máu” khiến con thật khó thay đổi.

Giờ đây, con chính là người đang gánh hậu quả của việc nói dối khi bị bố mẹ, người thân, thầy cô giáo, bạn bè luôn nghi hoặc những lời con nói. Giá như ngày trước mẹ chấp nhận con là đứa trẻ có đầy khuyết điểm, hạn chế thì con đã không trở thành đứa trẻ “lươn lẹo” như mọi người nói về con. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn