Biến thể SARS-Cov-2 ở Hà Nam là chủng Anh, tốc độ lây nhanh hơn 70%

16:24 | 04/05/2021;
Kết quả giải trình trình tự gene virus SARS-Cov-2 của bệnh nhân tại Hà Nam là biến thể của Anh; còn mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân ở Vĩnh Phúc là biến thể Ấn Độ.

Thông tin trên vừa được Bộ Y tế công bố chiều ngày 4/5.

Theo Bộ Y tế, trước tình hình dịch Covd-19 ở các nước xung quanh Việt Nam đang diễn biến phức tạp, gần đây tại một số địa phương đã xuất hiện các chùm ca bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gene của những người mới mắc Covid-19 để đánh giá nguy cơ, có các biện pháp ngăn ngừa và phòng chống dịch phù hợp.

Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã tiến hành lấy mẫu ở những bệnh nhân mắc Covid-19 tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh để làm xét nghiệm giải trình tự gene, giúp xác định nguồn gốc. Kết quả như sau:

Tại Vĩnh Phúc lấy 3 mẫu của 3 bệnh nhân mắc Covid-19 là những nhân viên quán Bar Sunny, cho kết quả thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể của Ấn Độ.

Tại Hà Nam lấy 6 mẫu, Hưng Yên lấy 2 mẫu, Hà Tĩnh lấy 2 mẫu (2 bệnh nhân mắc COVID-19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ) đều cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7, là biến thể của Anh.

Đột biến là những thay đổi trong mã di truyền của virus xảy ra một cách tự nhiên theo thời gian khi động vật hoặc người bị nhiễm bệnh. Trong khi dự kiến sẽ xảy ra một số lượng biến dị di truyền nhất định khi SARS-CoV-2 lây lan, điều quan trọng là phải theo dõi các virus lưu hành để tìm (các) đột biến chính xảy ra ở các vùng quan trọng của bộ gene. Nhiều đột biến không ảnh hưởng đến khả năng lây lan hoặc gây bệnh của virus vì chúng không làm thay đổi các protein chính liên quan đến sự lây nhiễm; cuối cùng chúng bị loại bỏ bởi các biến thể có đột biến có lợi hơn cho virus.

Về chủng đột biến B.1.1.7, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết, biến chủng này được ghi nhận có tốc độ và khả năng lây lan rất nhanh, nhất là khi nó xuất hiện trong cộng đồng. Khi một cộng đồng có nhiều người cùng mắc bệnh, khả năng họ vào BV và lây nhiễm tại đây rất cao, công tác kiểm soát và điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc phát hiện biến chủng của virus SARS-CoV-2 phải được trải qua công tác giải trình tự gene từ cơ quan chuyên trách như Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ (Hà Nội) hay Viện Pasteur TPHCM. Nếu kết quả giải trình gene phù hợp, cơ quan này sẽ thông báo về địa phương để có sự điều chỉnh trong quản lý, theo dõi bệnh nhân phù hợp.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết biến chủng B.1.1.7 của SARS-CoV-2 làm tăng khả năng bám dính của virus. Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, sự biến chủng này của virus SARS-CoV-2 tăng khả năng lây truyền nhưng không làm tăng tình trạng nặng của bệnh tật. Mặc dù quan ngại, song chúng ta phải hết sức bình tĩnh đối phó với chủng này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn