Biến tướng cho vay trực tuyến lãi 'cắt cổ'

11:20 | 13/12/2018;
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, mô hình cho vay trực tuyến đang xuất hiện nhiều biến tướng, trong đó một số công ty tư vấn hợp tác với các đơn vị kinh doanh dịch vụ cầm đồ, lãi suất cho vay ở mức “cắt cổ".
Từ nhiều tháng nay, chị Nguyễn Thu Thủy (22 tuổi, phố Núi Trúc, Hà Nội) liên tục nhận được các tin nhắn mời chào vay tiền từ một đơn vị cho vay trực tuyến.
 
Theo chia sẻ, thời gian trước, do có nhu cầu cấp thiết, chị có lên mạng tìm một vài địa chỉ cho vay tiền trực tuyến để đăng ký vay. Tuy nhiên, khi nhận thấy mức lãi suất quá cao, chị Thủy đã từ chối vay. Nhưng từ đó đến nay, chị đều đặn nhận được tin nhắn, các cuộc điện thoại mời chào vay tiền nhiều nhiều website khác nhau.
Mô hình cho vay trực tuyến đang xuất hiện nhiều biến tướng

 

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tại Việt Nam, bên cạnh ngân hàng, các công ty tài chính, vài năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình cho vay trực tuyến, thường được biết đến với tên gọi "vay tiền nhanh online", "vay tiền không thế chấp" hay "vay tiền không cần gặp mặt"… Các mô hình này thường được giới thiệu là công ty thực hiện hỗ trợ, tư vấn và kết nối giữa người đi vay và người cho vay.
 
Tuy nhiên, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, người vay cần tìm hiểu kỹ về lãi suất, quy trình phê duyệt, giải ngân và thủ tục cung cấp khoản vay. Hiện một số công ty tư vấn hợp tác với các đơn vị kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ phải thực hiện thêm một số thủ tục như ký hợp đồng cầm đồ với đơn vị liên quan để thực hiện giải ngân.
 
Ngoài lãi suất, một số đơn vị sẽ tính thêm các chi phí khác như phí tư vấn, phí quản lý khoản vay… Vì vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu xem tổng cộng phải trả cụ thể bao nhiêu tiền, trong đó, bao gồm những khoản tiền gì, cách thức tính ra sao, cách thức thanh toán, thanh toán cho ai và thời hạn thanh toán...
 
Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, do phần lớn các giao dịch được thực hiện online nên phạm vi thu thập và mục đích sử dụng thông tin của các công ty là rất lớn. Trong đó, một số mục đích sử dụng đặc thù như kiểm tra thông tin về người đi vay thông qua các mạng xã hội mà người đi vay đăng ký (facebook, zalo), hoặc số điện thoại của người thân, của đồng nghiệp để liên hệ thực hiện nhắc, thu nợ khi phát sinh nợ quá hạn.
 
 
 
Ngoài ra, đơn vị này cũng lưu ý người vay chỉ xác nhận đồng ý ký hợp đồng sau khi đã được tìm hiểu và nhìn rõ các nội dung thể hiện trên hợp đồng, tránh trường hợp thông tin bị thay đổi giữa nội dung tư vấn và trên hợp đồng đã ký. Người vay cũng nên có tính toán cụ thể, chắc chắn để đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, tránh tình trạng phát sinh các chi phí cao và không cần thiết.
 
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người tiêu dùng khi tham gia hình thức vay trực tuyến:
 
- Cẩn trọng khi cung cấp thông tin để đăng ký khoản vay
 
- Nghiên cứu kỹ các điều khoản cho vay như về chủ thể và thủ tục giải ngân, về lãi suất vay, về điều kiện hủy giải ngân, chính sách gia hạn khoản vay...
 
- Ký và lưu giữ hợp đồng
 
- Cân nhắc khả năng tài chính trước khi vay trực tuyến...
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn