Đảm bảo sức khỏe trong giai đoạn thai kỳ là vấn đề các mẹ bầu đặc biệt quan tâm. Cảm cúm, trong đó có cúm A khi đang mang thai là hiện tượng thường gặp và gây lo lắng cho không ít mẹ bầu. Vậy bà bầu mắc cúm A có nguy hiểm cho thai nhi không? Biểu hiện cúm A ở bà bầu là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cúm A là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng virus H1N1, H5N1, H7N9. Hầu hết những bệnh nhân mắc cúm A có thể tự khỏi bệnh mà không cần điều trị bằng thuốc.
Tuy nhiên, không ít trường hợp phải nhập viện vì cúm A trở nặng. Các bác sĩ lưu ý, cúm A có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tới trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai.
Đọc thêm:
- Sốt do cúm A kéo dài bao lâu?
- 10 cách chữa cảm cúm nhanh nhất tại nhà
Các bác sĩ cho biết, trong các loại cúm thường gặp thì cúm A nguy hiểm hơn cả. Nguyên nhân là vì virus cúm A biến đổi liên tục tạo ra nhiều chủng gây bệnh.
Bên cạnh đó, sự nguy hiểm của cúm A còn ở con đường lây nhiễm bệnh. Theo đó, ngoài hai con đường lây nhiễm cơ bản là trực tiếp từ người sang người qua nói chuyện, hắt hơi, ho; hoặc gián tiếp qua việc đụng chạm vào các đồ vật chứa virus, virus cúm A còn có thể lây từ động vật sang người.
Cúm A cũng là bệnh lý dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Vì thế, nắm được những biểu hiện của cúm A, đặc biệt là biểu hiện cúm A ở bà bầu là điều rất cần thiết.
Mang bầu là thời kỳ rất quan trọng đối với chị em phụ nữ bởi vì sức khỏe của người mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thai nhi. Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu có nhiều biến đổi, dễ bị mắc bệnh, nhất là các bệnh lý truyền nhiễm. Chính vì vậy, mẹ bầu cần cần thận trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là trong những tháng đầu của thai kỳ.
Một số biểu hiện của cúm A mà mẹ bầu nên biết để tránh nhầm lẫn với các bệnh lý khác:
- Nhiễm trùng họng gây đau, sưng, ho, sưng hạch hầu họng, viêm, đau nhức vòm họng.
- Hắt hơi, chảy nước mũi.
- Đau mỏi toàn thân hoặc đau đầu, đau cơ, tê bì chân tay.
- Mệt mỏi dẫn tới tình trạng chán ăn.
- Có thể sốt hoặc ớn lạnh, sốt cao trên 38,5 độ.
- Khó thở.
- Buồn nôn.
Như vậy, biểu hiện cúm A của bà bầu khá giống với dấu hiệu cúm thông thường. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, ngay khi có những triệu chứng trên, đặc biệt là vào thời điểm bùng phát dịch cúm A, mẹ bầu cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trên thực tế, bất cứ bệnh gì ở người mẹ đều có những tác động nhất định tới thai nhi và sự ảnh hưởng ít hay nhiều phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Khi mẹ bầu mắc cảm cúm, do sức đề kháng kém và không dùng được nhiều loại thuốc nên bệnh có thể kéo dài hơn người bình thường. Nghiêm trọng hơn, điều này sẽ càng nguy hiểm trong trường hợp mẹ bầu mắc cúm A. Cúm A khi biến chứng có thể dẫn tới viêm phổi hoặc viêm phế quản.
Không những vậy, cúm A còn có thể gây hại cho thai nhi. Cụ thể:
- Mẹ bầu bị mắc cúm A ở thể nhẹ, bệnh lý này khiến người mẹ mệt mỏi, chán ăn dẫn tới việc cung cấp dinh dưỡng cho con bị hạn chế.
- Mẹ bầu mắc cúm A bị sốt cao sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi vì virus có thể gây kích thích mạnh tới sự co bóp của tử cung, dẫn đến nguy cơ sảy thai, sinh non, hoặc thai chết lưu.
- Con sinh ra bị nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng bẩm sinh khi mẹ bầu mắc cúm A.
Cần lưu ý, sự nguy hiểm của cúm A tới mẹ bầu càng cao nếu người mẹ mắc bệnh trong những tháng đầu của thai kỳ, có thể dẫn tới một số dị tật bẩm sinh như bệnh tim, hở hàm ếch, dị ứng, hen suyễn.... Bệnh cúm A cũng có thể tác động tới não, gây tổn thương và nguy cơ trẻ bị rối loạn tâ thần.
Cần lưu ý, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị virus cúm A. Tuy vậy, bệnh nhân cúm A có thể được chỉ định dùng thuốc hạ sốt và bổ sung vitamin (đặc biệt vitamin C) để hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Tuy nhiên, đối với bà bầu bị cúm A, cần đến cơ sở y tế để được khám xác định và hướng dẫn cách điều trị. Các bác sĩ khuyến cáo, bà bầu bị cúm A cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Không tự ý dùng thuốc: Một số loại thuốc hỗ trợ điều trị cúm A có thể gây hại, thậm chí gây dị tật thai nhi. Vì thế, mẹ bầu tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mà cần gặp bác sĩ để được tư vấn.
- Cách ly ở phòng riêng: Phòng cách ly nên có nhà vệ sinh khép kín để hạn chế lây bệnh cho người thân và những người xung quanh.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Nên ăn uống đủ chất, bổ sung thêm rau xanh, trái cây nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Những lưu ý về sinh hoạt: Nên tắm nước ấm, chú ý nghỉ ngơi, ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, tránh stress, căng thẳng.
Ngoài ra, các bác sĩ khuyến cáo, mẹ bầu cần biết cách phòng tránh bệnh cúm A để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và con. Theo đó, mẹ bầu nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn bệnh, xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, tiêm phòng cúm nếu có kế hoạch mang thai.
Như vậy, cúm A ở bà bầu có thể gây hại cho thai nhi và mức độ gây hại phụ thuộc vào độ nghiêm trọng của bệnh lý cũng như sức đề kháng của mẹ bầu. Những biểu hiện cúm A của bà bầu khá giống với cảm cúm thông thường nên ngay khi có những dấu hiệu bất thường, mẹ bầu cần đi thăm khám và điều trị đúng cách.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn