Sốt xuất huyết là bệnh lý do virus lây lan từ muỗi sang người. Sốt xuất huyết nhẹ và nặng có biểu hiện khác nhau. Dạng sốt xuất huyết nặng xảy ra có thể dẫn tới chảy máu nghiêm trọng, tổn thương nội tạng, gây sốc sốt xuất huyết và nguy hiểm tới tính mạng.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thì ước tính cứ 4 ca nhiễm virus sốt xuất huyết thì có 1 ca có triệu chứng. Nhiễm virus sốt xuất huyết có triệu chứng thường biểu hiện dưới dạng sốt cấp tính từ nhẹ tới trung bình, không đặc hiệu.
Sốt xuất huyết nhẹ có triệu chứng giống cúm sau 4 - 10 ngày khi bị muỗi mang virus gây bệnh đốt, nên rất dễ bị nhầm lẫn.
- Sốt cao tới 40 độ C
- Đau đầu
- Đau cơ, xương hoặc đau khớp
- Có chảy máu nhẹ từ mũi hoặc nướu
- Buồn nôn và nôn mửa
- Đau phía sau mắt
- Viêm sưng hạch
- Phát ban thường xuất hiện 2 - 5 ngày sau khi sốt và có thể kèm theo ngứa.
Theo CDC, ước tính cứ 20 ca mắc sốt xuất huyết thì có thể có 1 ca tiến triển thành bệnh nặng được gọi là sốt xuất huyết nặng. Điều này cũng tăng nguy cơ hơn nếu bạn mắc sốt xuất huyết lần 2 hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu.
- Đau bụng dữ dội, bụng trướng
- Nôn mửa dai dẳng liên tục, nôn lẫn chất nhầy màu hồng hoặc lẫn máu
- Thở nhanh, thở gấp
- Chảy máu nướu răng hoặc mũi, các vết bầm tím dưới da
- Bồn chồn, mệt mỏi, li bì, lú lẫn
- Máu trong phân
- Khát nước liên tục
- Da nhợt nhạt, lạnh.
Nếu ai đó có các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh hoặc nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn trong một hoặc hai ngày đầu tiên sau khi hết sốt, hãy đi khám ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết dengue (DHF), một trường hợp cấp cứu y tế.
Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết
Giai đoạn ủ bệnh
Giai đoạn ủ bệnh là khoảng thời gian từ khi bị muỗi nhiễm bệnh cắn đến khi bắt đầu có triệu chứng. Đối với bệnh sốt xuất huyết, giai đoạn này có thể từ 3 đến 14 ngày. Trong giai đoạn này, virus nhân lên trong cơ thể, nhưng người bệnh có thể không cảm nhận bất kỳ triệu chứng khác thường nào.
Giai đoạn sốt
Giai đoạn sốt được đặc trưng bằng cơn sốt cao đột ngột, thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Người bệnh cũng có thể trải qua những triệu chứng như đau đầu, đau cơ và khớp, buồn nôn và nôn mệt. Việc theo dõi nhiệt độ cơ thể và cung cấp đủ lượng nước để ngăn ngừa sự mất nước là rất quan trọng đối với giai đoạn này.
Giai đoạn toàn phát
Trong một số trường hợp, sốt xuất huyết tiến triển thành hình thức nặng hơn, được biết đến như sốt xuất huyết dengue (DHF) hoặc hội chứng sốc dengue (DSS). Những tình trạng này được coi là tình trạng y tế khẩn cấp và cần sự chú ý ngay lập tức. Tuy nhiên, đối với hầu hết các trường hợp, giai đoạn sốt sẽ giảm đi trong vòng một tuần hoặc ít hơn.
Triệu chứng bệnh nghiêm trọng bao gồm phát ban, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, tiểu ra máu, người lạnh toát, huyết áp giảm nhanh, thậm chí sốc huyết áp, phù nề mi mắt, khó thở và mất nước nghiêm trọng do virus tấn công và sự suy giảm nhanh chóng của tiểu cầu (còn gọi là biến chứng sốt xuất huyết giảm tiểu cầu).
Cũng ở giai đoạn này người mắc sốt xuất huyết có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như xuất huyết nghiêm trọng (dạ dày, não), viêm gan, viêm cơ tim, viêm não, trụy tim và tổn thương các cơ quan nội tạng.
Giai đoạn hồi phục
Sau khi sốt giảm, người bệnh sẽ bước vào giai đoạn hồi phục. Trong thời gian này, người bệnh vẫn còn cảm thấy mệt mỏi, yếu và cảm giác không khỏe nói chung khoảng vài tuần. Việc có nhiều thời gian nghỉ ngơi, ăn các thực phẩm bổ dưỡng và uống đủ nước góp phần quan trọng trong việc giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng.
Nếu các triệu chứng xuất hiện, chúng sẽ kéo dài từ 2 - 10 ngày và những người mắc sốt xuất huyết lần đầu và trẻ em bị sốt xuất huyết thường nhẹ hơn.
Phần lớn các ca bệnh không có triệu chứng hoặc biểu hiện sốt xuất huyết nhẹ có thể tự quản lý và chăm sóc tại nhà. Chủ yếu là:
- Nghỉ ngơi và kiểm soát sốt và cơn đau bằng paracetamol, tránh dùng thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hay aspirin cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết
- Uống đủ nước giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước do sốt, nôn mửa, tiêu chảy gây ra. Bị sốt xuất huyết uống gì, bạn có thể bù lỏng cho cơ thể bằng nước lọc, nước trái cây, sữa, dung dịch điện giải,... Khi mất nước nghiêm trọng xảy ra khiến mắt trũng, người rệu rã, lờ đờ, khô môi nứt nẻ, không tiểu, nước tiểu màu vàng đậm, trũng thóp,... cần phải được thăm khám ngay lập tức.
Điều quan trọng là cần nhận biết các dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết chuyển nặng, nhanh chóng di chuyển tới cơ sở y tế để được hỗ trợ sớm.
Lưu ý, trong mọi trường hợp nhiễm bệnh sốt xuất huyết, cần nỗ lực giữ cho người bệnh không bị muỗi đốt để ngăn chặn bệnh lây sang người khác. Sốt xuất huyết nhẹ có thể tiến triển thành sốt xuất huyết nặng nếu không được chăm sóc và quản lý đúng cách.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn