"Cơ thể tôi là của tôi"
Những người theo thuyết nữ quyền có một khẩu hiệu đơn giản: "Cơ thể tôi là của tôi", nhằm khẳng định quyền tự quyết của họ. Về mặt sinh sản, phụ nữ đòi quyền tự do làm chủ bản thân, trước tiên là quyền được phá thai. Phong trào này ủng hộ phong trào sinh sản có kế hoạch trong gia đình. Theo các nhà hoạt động nữ quyền, lựa chọn phá thai là quyền của mỗi cá nhân người phụ nữ. Do vậy, mọi quyết định đều đáng được tôn trọng và không ai có quyền chỉ trích hay lên án, phán xét.
Tại thủ đô Washington, những người tuần hành đã kéo về trụ sở tòa án tối cao Mỹ yêu cầu tòa án hủy bỏ luật này của bang Texas. Họ phản đối luật mới của bang Texas hạn chế một cách trầm trọng việc tiếp cận phá thai ở tiểu bang này. Những người biểu tình cầm biểu ngữ viết "Hãy hợp pháp hóa việc phá thai!". Ngoài thủ đô Washington, có khoảng 660 cuộc tuần hành đồng loạt diễn ra trên khắp nước Mỹ nhằm phản đối việc hạn chế quyền lựa chọn của phụ nữ. Alexis McGill Johnson, Giám đốc điều hành của tổ chức cung cấp dịch vụ nạo phá thai lớn nhất nước Mỹ Planned Parenthood, cho biết, những người biểu tình ở thủ đô của Mỹ đã lên tiếng phản đối việc vi phạm quyền của phụ nữ.
Đây là cuộc biểu tình lớn đầu tiên diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở Mỹ. Được tổ chức chỉ hơn 1 năm trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, hoạt động này sẽ ảnh hưởng lớn đến các lá phiếu cử tri cũng như cuộc chạy đua của các ứng cử viên.
Tại thành phố Austin, bang Texas, tâm điểm của cuộc tranh luận về quyền phá thai, các nhà tổ chức thông báo ước tính có khoảng 35.000 người biểu tình ủng hộ các diễn giả, trong đó có cựu Chủ tịch Planned Parenthood Cecile Richards và cựu Thượng nghị sĩ bang Texas Wendy Davis. Một phụ nữ tham gia cuộc tuần hành nói, cô có mặt để ủng hộ quyền được lựa chọn của phụ nữ. Robin Horn nói với hãng tin Reuters: "Dù tôi chưa bao giờ phải đối mặt với việc lựa chọn này nhưng chính phủ cũng như nam giới không có quyền ý kiến về thân thể của chúng tôi".
Các cuộc biểu tình được tổ chức bởi chính những người đứng sau sự kiện thường niên Tuần hành Phụ nữ - cuộc mít tinh đầu tiên thu hút hàng triệu người biểu tình, một ngày sau lễ nhậm chức của cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2017. Rachel O’Leary Carmona, Giám đốc điều hành của Tuần hành Phụ nữ, nói: "Đây là một khoảnh khắc tuyệt vời cho tất cả những người cùng chí hướng trên khắp đất nước. Nhiều người trong chúng tôi lớn lên với ý nghĩ rằng phá thai nên được hợp pháp hóa và tất cả chúng ta đều nên được tiếp cận dịch vụ này".
Phản đối những quy định hà khắc
Phần lớn các cuộc tuần hành được "châm ngòi" kể từ khi bang Texas thông qua Luật cấm phá thai vào tháng 9/2021. Luật này được cho là hà khắc với quy định cấm nạo phá thai khi đã có tim thai (khoảng 6 tuần tuổi). Lệnh cấm không có ngoại lệ, kể cả phụ nữ bị cưỡng hiếp hay loạn luân. Ngoài ra, luật còn cho phép người dân khởi kiện những nhà cung cấp dịch vụ phá thai vi phạm hoặc ai tiếp tay cho việc này. Người thắng kiện có thể được hưởng ít nhất 10.000 USD.
Theo các nhà cung cấp dịch vụ phá thai, đạo luật ảnh hưởng nặng nề lên những phụ nữ da màu, phụ nữ có thu nhập thấp. Nó có thể buộc nhiều người phải sang các bang khác để phá thai hoặc dẫn đến các trường hợp phá thai chui. Sau khi bang Texas ban hành luật này, nhiều phụ nữ ở bang này đã phải chạy sang các bang khác để phá thai trong khi một số phụ nữ tìm kiếm mua thuốc phá thai qua đường bưu điện hoặc tìm sự trợ giúp từ các trung tâm khủng hoảng thai kỳ.
Tổng thống Joe Biden cũng công khai lên án chính sách của bang Texas: "Đạo luật hà khắc này của Texas vi phạm quyền hiến pháp được thiết lập từ vụ kiện Roe v. Wade được coi là án lệ trong gần nửa thế kỷ qua". Cụ thể, năm 1973, Tòa án tối cao Mỹ đã đưa ra phán quyết hiến pháp sẽ bảo vệ quyền tự do của phụ nữ mang thai trong việc lựa chọn phá thai mà không có sự hạn chế quá mức của chính phủ. Ông Biden cam kết bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đưa ra tuyên bố phản đối luật cấm phá thai. Bà Harris cho rằng luật cấm phá thai là "cuộc tấn công toàn diện vào sức khỏe sinh sản" và luật này đã cấm việc phá thai đối với gần 7 triệu người dân Texas trong độ tuổi sinh sản. Các thành viên Đảng Dân chủ, bao gồm cựu ngoại trưởng Hillary Clinton cũng chỉ trích Tòa án tối cao đã không hành động để ngăn chặn đạo luật. Hiện Bộ Tư pháp Mỹ kiện chính quyền bang Texas về luật cấm phá thai, cáo buộc đây là đạo luật "bất chấp hiến pháp".
Luật này còn vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận. Thậm chí, các cơ quan giám sát nhân quyền của Liên hợp quốc cũng lên án mạnh mẽ, cho rằng đạo luật này vi phạm luật pháp quốc tế khi không cho phép phụ nữ có quyền kiểm soát cơ thể của chính mình, đồng thời gây nguy hiểm đến tính mạng của họ. Theo Liên hợp quốc, hợp pháp hóa việc phá thai cũng tránh được tình trạng nạo phá thai ở các cơ sở "chui", hạn chế các tai biến và rủi ro cho thai phụ. Các nước có chính sách hạn chế phá thai thường có tỷ lệ nạo phá thai không an toàn cao gấp 4 lần, đồng thời có tỷ lệ tử vong của thai phụ cao gấp 3 lần so với các nước cho phép phá thai.
Theo phân tích từ một nhóm ủng hộ quyền phá thai, không chỉ Texas, có nhiều biện pháp hạn chế phá thai được ban hành trên nước Mỹ trong năm nay. Một báo cáo của viện Guttmacher cho thấy, trong năm 2021, các cơ quan lập pháp tiểu bang đã thông qua ít nhất 90 dự luật hạn chế biện pháp nạo phá thai. Kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2011 với 89 quy định được thông qua trên các tiểu bang.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn