Bình đẳng cho phụ nữ là động lực để phát triển bền vững

13:53 | 10/10/2019;
Vai trò của phụ nữ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng được nâng cao và thúc đẩy bình đẳng giới được cho là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 10/10, hơn 100 đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hỗ trợ, đại diện các doanh nghiệp, sáng kiến kinh doanh, các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên đã tham dự Hội thảo “Các sáng kiến kinh doanh thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền kinh tế cho phụ nữ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trường đại học Kinh tế Quốc dân và Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (Vietnam Business Coalition for Women’s Empowerment - VBCWE) phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
 
Hiện nay, Việt Nam vẫn còn hàng loạt các thách thức còn tồn tại như khoảng cách giới trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp, phụ nữ vẫn khó khăn hơn nam giới trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là các nhóm lao động nữ nghèo, nữ nông thôn, nữ di cư, nữ dân tộc thiểu số
Hội thảo nằm trong khuôn khổ "Én Xanh 2019", là chương trình tìm kiếm và tôn vinh các sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng Việt Nam.
Trong phiên thảo luận “Thúc đẩy Bình đẳng giới trong kinh doanh – Thực tiễn, Thách thức và Giải pháp” với sự tham gia của đại diện của các bên hữu quan, từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hỗ trợ và doanh nghiệp, các bên đã cùng chia sẻ những góc nhìn đa dạng về vai trò của bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội, thảo luận những khó khăn, vướng mắc, cũng như đưa ra các giải pháp cả về chính sách và thực tiễn nhằm từng bước tháo gỡ những thách thức này.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thanh Hằng, Giám đốc VBCWE đã chỉ rõ thực trạng bất bình đẳng giới tại Việt Nam trong xã hội và tại nơi làm việc, qua đó nhấn mạnh phụ nữ cần được tham gia vào lực lượng lao động và tạo điều kiện để phát triển và thăng tiến công bằng. Bà Hằng cũng đưa ra nhiều dẫn chứng về tác động tích cực của việc thúc đẩy các giá trị bình đẳng trong doanh nghiệp, đồng thời giới thiệu một số công cụ và chứng chỉ quốc tế giúp doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, hiệu quả.
Phần lớn những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn chưa vượt qua được quy mô siêu nhỏ, hoạt động không chính thức, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp
Hiện nay, Việt Nam vẫn còn hàng loạt các thách thức còn tồn tại như khoảng cách giới trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp, phụ nữ vẫn khó khăn hơn nam giới trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là các nhóm lao động nữ nghèo, nữ nông thôn, nữ di cư, nữ dân tộc thiểu số. Thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam vẫn còn chênh lệch, xét trong cả giai đoạn 2009-2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn của nam, mức chênh lệch tương đương khoảng 30 USD, trên tổng mức lương chưa đạt 200USD/tháng. Phần lớn những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn chưa vượt qua được quy mô siêu nhỏ, hoạt động không chính thức, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp...
Bên cạnh đó, xét về vị thế làm việc, lao động nữ làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn nhiều hơn so với lao động nam. Do đó, sự tham gia của các doanh nghiệp, các tập đoàn cùng các chuyên gia quốc tế sẽ phát đi tín hiệu mạnh mẽ về sự cam kết đối với mục tiêu phát triển bền vững.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn