Bình đẳng giới là chiến lược trong thực hiện kế hoạch phát triển vùng dân tộc thiểu số

16:33 | 23/05/2019;
Đó là nhấn mạnh của bà Nguyễn Thị Tư - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban dân tộc (UBDT) tại hội thảo quốc gia lồng ghép giới trong đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 với tầm nhìn đến năm 2030 tại Đà Nẵng trong 2 ngày 23 và 24/5.
anh-hoi-nghi.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

 

Hội thảo do UBDT và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức với sự hỗ trợ của chương trình viện trợ quốc tế của Chính phủ Ireland - Irish Aid quy tụ 30 đại biểu đại diện cho các ban DTTS từ 8 tỉnh thành trong cả nước.
 
Theo Điều tra quốc gia năm 2015 về thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS ở Việt Nam của Tổng cục Thống kê và tổng hợp các nghiên cứu gần đây cho thấy, vùng DTTS đang gặp phải những vấn đề giới nghiêm trọng hơn so với các vấn đề giới nói chung ở Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc làm và thu nhập, chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản. Tỷ lệ tử vong bà mẹ ở một số nhóm DTTS cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh. Trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động chăm sóc con cái và sản xuất hộ gia đình.
 
nguyen-thi-tu.jpg
Bà Nguyễn Thị Tư - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban dân tộc

  

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tư - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, UBDT cho biết: “Sự phân biệt đối xử đan xen gây ra thiệt thòi đối với phụ nữ và trẻ em gái DTTS, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Bất bình đẳng giới khiến phụ nữ và trẻ em gái không được phát huy hết khả năng tiềm tàng của mình, gây ra các tổn thất về kinh tế và xã hội cho cộng cộng. Vì vậy, bình đẳng giới là chiến lược không thể tách rời trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS”.
 
Còn theo bà Vũ Phương Ly - Chuyên gia Chương trình UN Women Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với nguyên tắc “Không bỏ ai ở lại phía sau” thì vấn đề bất bình đẳng giới ở vùng DTTS không chỉ cần được quan tâm trong quá trình xây dựng chính sách mà cần phải có cơ chế giám sát việc đầu tư nguồn lực cụ thể để thúc đẩy bình đẳng giới. Cho đến nay nguồn lực tài chính nhằm giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới nói chung, đặc biệt ở vùng DTTS còn rất hạn chế. Điều này cản trở không nhỏ đến việc thực hiện các kế hoạch và chương trình nhằm trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái DTTS Việt Nam”.
 
Với sự tham gia tích cực của các đại biểu trong 2 ngày hội thảo, các khuyến nghị về thúc đẩy bình đẳng giới sẽ được gửi tới ban soạn thảo Đề án phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng KTXH giai đoạn 2021-2025 với tầm nhìn 2030 nhằm xem xét sửa đổi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn