Chúng tôi tới nhà chị Giàng Thị Dế, dân tộc Mông bản Phá Thóng, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La vào buổi sáng sớm. Không khí trong gia đình chị rất ấm cúng. Bên bếp lửa đỏ rực, chồng chị đang thái thịt treo để xào chuẩn bị cho bữa sáng. Chị Dế vừa nhặt rau vừa nói chuyện vui vẻ với mọi người.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết ở gia đình chị Dế không có chuyện chồng chơi, vợ làm, cũng không có chuyện phân biệt đối xử như tập tục truyền thống xưa kia, con dâu, phụ nữ ăn cơm sau, đàn ông ăn cơm trước. Thay vào đó, chồng chị thường xuyên giúp vợ làm công việc nhà, cùng nhau đi làm nương.
Chị Dế kể: "Ngày xưa, người Mông rất trọng nam, kinh nữ. Mọi thứ tốt đẹp trong gia đình đều dành cho con trai. Trong bản tôi, nhiều gia đình chỉ cho con trai đi học còn con gái thì không được đến trường mà phải ở nhà trông em, làm việc nhà hoặc đi làm nương cùng bố mẹ. Tôi cũng không được bố mẹ cho đi học nên bị mù chữ. Nhưng bây giờ được cán bộ tuyên truyền nhiều mọi người không còn coi thường phụ nữ nữa, tiếng nói của phụ nữ được mọi người lắng nghe nhiều hơn. Trong bản cũng không xảy ra chuyện phụ nữ bị chồng đánh đập như trước kia nữa".
Chồng chị Dế nghe vậy, cười vui nói với chúng tôi: "Bây giờ chúng tôi tiến bộ hơn trước rất nhiều, nam nữ đều được bình quyền. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng có xích mích, cãi cọ nhưng tôi không bao giờ đánh vợ. Có đi làm nương thì cả hai vợ chồng cùng làm. Về nhà, tôi giúp vợ nấu cơm, cho gà, cho lợn ăn, không bao giờ bắt một mình vợ phải làm hết".
Tiếp lời chồng, chị Dế cho biết, do chị không biết chữ nên rất không dám đi đâu ra khỏi phạm vi xã mình và rất tự ti về điều đó. "Hiểu được cái bụng tôi, chồng tôi đã động viên tôi đi học lớp xóa mù chữ vào buổi tối. Chồng tôi sẵn sàng làm giúp mọi việc nhà để tôi có thời gian đi học mỗi tối".
Khi chúng tôi ra về, chị Dế liền chạy vào nhà lấy một khúc thịt treo rất to tặng chúng tôi làm quà. Hành động rất nhỏ này của chị cho thấy vị thế của phụ nữ Mông trong gia đình đã có sự thay đổi so với trước đây. Họ đã được nắm giữ tài sản, được tự quyết về việc sử dụng, biếu, tặng... mà không phải hỏi ý kiến người chồng.
Cũng có suy nghĩ thức thời, khác hẳn với tư duy của thế hệ cha ông, anh Giàng Ca Dinh, dân tộc Mông, ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La tạo mọi thuận lợi cho vợ mình được học hành, phát triển bản thân. Khi chúng tôi đến nhà, anh Dinh không có nhà, chỉ có vợ anh đang chờ chúng tôi theo như đã hẹn trước. Chị Dai bảo chồng chị đi làm nương từ sáng sớm rồi.
Chúng tôi hỏi chuyện gia đình, chị Dai kể: "Trong gia đình tôi, hai vợ chồng nói chuyện với nhau rất bình đẳng, mọi việc đều cùng nhau bàn bạc, cùng nhau chăm sóc con cái. Trước đây, phụ nữ Mông quá khổ vì không được nói lên tiếng nói của mình trong gia đình. Thời bố mẹ, ông bà tôi, mọi việc trong gia đình đều do người đàn ông quyết định. Bây giờ, chúng tôi được tuyên truyền nhiều rồi nên hiểu biết hơn, biết được các quyền của mình. Đàn ông Mông đã coi trọng phụ nữ hơn".
Một lúc sau, anh Dinh mới từ nương về nhà, đón chị Dai đi làm cùng. Khi hỏi anh về khái niệm bình đẳng giới, anh cười, nói: "Tôi xem ti vi, nghe đài và đi họp bản thấy nói nhiều về việc này. Tôi hiểu rằng, đàn ông và phụ nữ đều có quyền làm việc, nghỉ ngơi bình đẳng như nhau. Việc nuôi dạy con cái, làm nương, làm rẫy là cả hai cùng chia sẻ chứ không phải chỉ người phụ nữ phải làm hết. Về tài sản trong gia đình thì người vợ cũng có quyền thừa hưởng, sử dụng, chi tiêu tiền như người chồng".
Cũng chính anh Dinh là người đã động viên vợ mình tham gia lớp học xóa mù chữ và trực tiếp hướng dẫn vợ làm bài tập về nhà để chị Dai có cơ hội đi làm công nhân. Anh Dinh chia sẻ: "Vợ tôi không biết chữ rất khổ vì vậy tôi động viên vợ đi học. Tôi nói vợ phải đi học và cho con cái học hành đầy đủ dù có vất vả thế nào đi nữa. Biết cái chữ mới mở mang được đầu óc, tiếp nhận được những thông tin hữu ích… cuộc sống mới đỡ vất vả".
Trong chuyến đi công tác của mình, tôi được ngồi ăn cơm cùng vợ chồng anh Hạng A Thái tại bản Phá Thóng, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp. "Trước đây, người phụ nữ Mông thường phải quán xuyến việc bếp núc và ngồi ăn riêng hoặc ăn sau. Nhưng đó là quan niệm cũ rồi, bây giờ, vợ chồng tôi đi làm cùng nhau, nấu ăn cùng nhau và ăn cơm cùng nhau. Tôi cũng không đánh vợ bao giờ".
Câu chuyện của những gia đình người Mông mà tôi kể trên đã cho thấy một tín hiệu tích cực về việc thực hiện bình đẳng giới trong cộng đồng người Mông. Thực tế, vị trí của phụ nữ Mông đã được nâng dần lên trong đời sống hiện đại với việc phụ nữ có quyền quyết định nhiều việc trong gia đình, tham gia quản lý kinh tế gia đình và người chồng sẵn sàng làm công việc nhà, chăm sóc con cái cùng với người vợ.
Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Lò Văn Pích, cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh "cắm chốt" tại bản Phá Thóng cho biết, sự thay đổi tích cực trên là kết quả của quá trình tuyên truyền theo kiểu "mưa dầm thấm" lâu của không chỉ cán bộ thôn, bản, chính quyền xã mà cả sự vào cuộc của Bộ đội Biên phòng.
Anh Pích cho biết: "Chúng tôi thường xuyên phối hợp với cán bộ bản với chính quyền địa phương, cà các tổ chính chính trị - xã hội như Hội phụ nữ tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung, tuyên truyền nhỏ lẻ, lồng ghép nhiều nội dung. Trong đó, chúng tôi đều dành thời lượng nhất định phổ biến các chính sách của Nhà nước về Luật hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới tới bà con dưới cách diễn giải đơn giản, dễ hiểu nhất. Tôi thường nói với bà con nam và nữ đều có quyền bình đẳng như nhau, chồng không được phép đánh vợ và phải chia sẻ công việc với người vợ, không được cưỡng ép thiếu nữ lấy chồng sớm... Theo quy định của Nhà nước, phụ nữ được quyền tham gia quyết định mọi công việc lớn, nhỏ trong gia đình..."
"Thông qua tuyên truyền, người dân đã thay đổi nhận thức, phụ nữ được tôn trọng hơn rất nhiều. Đến giờ, trong nhiều gia đình người Mông, vị trí của phụ nữ được nâng lên rất nhiều. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp, người đàn ông muốn bán con trâu, con bò hay bất cứ tài sản gì trong gia đình đều phải hỏi ý kiến người vợ, chỉ khi người vợ đồng ý thì họ mới dám bán" – anh Pích cho biết thêm.
Nhằm thay đổi những quan niệm lạc hậu mang tính định kiến giới ở vùng dân tộc thiểu số, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025". Đề án hướng tới mục tiêu hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 80% hộ gia đình dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; 30-50% các xã có đồng bào dân tộc thiểu số ít người sinh sống xây dựng mô hình bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối phụ nữ, trẻ em gái.
Hy vọng với những cùng với việc xây dựng hệ thống chính sách, kết quả thực hiện Đề án trên sẽ thúc đẩy xóa bỏ bất bình đẳng giới trong vùng dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả tích cực hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn