Vươn lên làm chủ kinh tế
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2030. Trong đó, có dự án đặc biệt dành cho đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số, đó là thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em - đó chính là Dự án 8. Điểm sáng tại huyện Tân Sơn và huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) cho thấy hiệu quả của Dự án 8.
Ở tuổi 60, bà Hoàng Thị Thơm vẫn miệt mài với vai trò Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ong Mường Vác (xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn). Thu nhập từ mật ong đã mang lại lợi nhuận lớn và nghề nuôi ong đã có phần xóa đói giảm nghèo cho bà Thơm và nhiều chị em dân tộc nơi đây. Kinh tế ổn định, đời sống khá giả là tiền đề giúp gia đình hạnh phúc hơn.
Nhờ tham gia các lớp tập huấn bình đẳng giới và xây dựng năng lực kinh tế cho phụ nữ tại địa phương, bà Vàng Thị Mo (xã Trung Sơn, huyện Yên Lập) đã trở nên chủ động và tự tin hơn trong các quyết định của gia đình. Sau khi các con trở về địa phương trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bà Mo đã động viên các con phát triển kinh tế ngay tại quê hương, bằng việc canh tác hơn 2ha cây quế, sau 3 năm cây quế đã cho tỉa thưa và thu hạch ban đầu.
Việc làm kinh tế và có nguồn thu ổn định ngay tại địa phương đã giúp các con của bà Mo không phải ly hương mà con mang đến hạnh phúc đủ đầy vì an cư thì lạc nghiệp và lạc nghiệp để an cư. Nụ cười của người phụ nữ dân tộc Mông giờ đây không chỉ là niềm vui vì đời sống gia đình đã bớt khó khăn mà còn bởi sự an tâm về tương lai của các con, các cháu trên mảnh đất quê hương.
Bà Đinh Thị Thu Hiền - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Sơn - cho biết: Nâng cao vị thế, vai trò và quyền năng của người phụ nữ tại gia đình cũng như trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế xã hội luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bình đẳng giới. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, công tác này cũng gặp nhiều khó khăn thử thách, vì vậy, việc xây dựng năng lực kinh tế và thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số tiên quyết là việc tiếp cận với các kiến thức với bình đẳng giới, nâng cao kỹ năng sản xuất nông nghiệp.
"Khi được quan tâm và hỗ trợ đúng cách, những người phụ nữ dân tộc thiểu số có thể phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh để giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng trong đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng cao, tuy còn khó khăn, nhưng vẫn là mục tiêu mà cấp chính quyền và cả xã hội cần hướng đến", bà Đinh Thị Thu Hiền khẳng định.
Chú trọng bình đẳng giới trong gia đình
Bên cạnh việc thay đổi quyền năng của phụ nữ thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế, thì thực hiện bình đẳng giới trong thời điểm này cũng chú trọng xây dựng bình đẳng giới từ gia đình. Bởi gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được đối xử bình đẳng, là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững.
Mặc dù hoàn cảnh không mấy dư giả, nhưng ông Lý Ân Su (xã Trung Sơn, huyện Yên Lập) cùng vợ vẫn cố gắng nuôi 3 người con học xong đại học, trong đó có cả người con dâu của ông. Việc nuôi con ăn học thành tài mà không phân biệt trai gái không chỉ giúp các con ông có công việc ổn định, đời sống khấm khá, mà còn giúp gia đình ông luôn vui vẻ thuận hòa.
Từ nhiều năm nay, ông Bùi Văn Mười, Trưởng khu dân khu Thuận (xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn) đã biến ngôi nhà của mình thành địa chỉ tạm lánh cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Cùng với đó, ông thường xuyên phối hợp với chi hội phụ nữ vận động tuyên truyền, nhằm xóa bỏ các hành vi bạo lực, nhờ có người trưởng khu mẫn cán, có địa chỉ tin cậy khu Thuận không xảy ra các vụ bạo lực nghiêm trọng, không còn tình trạng các cặp vợ chồng ly hôn do bạo lực gia đình.
Triển khai Dự án 8 các địa phương cũng đã thành lập và duy trì các tổ truyền thông cộng đồng tại cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao nhật thức, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tình thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Tổ chuyên thông cộng đồng tại khu Nhồi (xã Trung Sơn, huyện Yên Lập) có 8 thành viên, trong đó có 6 thành viên là nam giới. Việc đẩy mạnh công tác truyền thông cho nam giới và lôi quấn họ tham gia các hoạt động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái cũng là mục tiêu và phương pháp thực hiện bình đẳng giới trong thời điểm hiện nay. Bởi khi có sự tham gia của nam giới và nâng cao nhật thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực thì công tác này sẽ hiệu quả hơn nhiều lần, đặc biệt đối với nam giới là người dân tộc thiểu số hay người có uy tín.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Lập - cho biết, Trung Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Lập, với trên 80% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Với đặc thù đó, xã được Ban chỉ đạo thực hiện dự án 8 huyện Yên Lập cho làm điểm triển khai dự án, đã ra mắt được 4 tổ truyền thông cộng đồng tại các khu dân cư, mỗi tổ có từ 8 đến 10 thành viên gồm: trưởng ban công tác mặt trận khu, chi hội trưởng, chi hội phụ nữ và các đoàn thể.
Tổ được xác định là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền vận động người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới và những tập tục văn hóa có hại đã và đang là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em.
Cũng theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Lập, Dự án 8 thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Để đạt được những mục tiêu trong việc triển khai tại các địa phương cần khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia một cách chủ động, được học tập hòa nhập vươn lên. Đồng thời, cần phải phân định chính sách có phạm vi, ưu tiên vấn đề nào, có cơ chế điều phối và có kiểm tra giám sát, qua đó mới phát huy hiệu quả các chính sách cho các vùng dân tộc thiểu số. Song xong với các hoạt động trên, thì công tác kiểm tra giám sát thực hiện các chương trình cũng được chỉ đạo và thực hiện chặt chẽ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn