Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình MTQG NTM) giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn hiện nay 2016-2020 là sáng kiến quan trọng của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Trải qua giai đoạn 10 năm thực hiện, Chương trình MTQG NTM đã mang lại những thay đổi quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn của Việt Nam.
Tính đến 9/2020, có hơn 60% xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn 10% so với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2010-2020.
Từ năm 2016, nội dung Bình đẳng giới được đưa vào như một trong 49 chỉ tiêu thuộc 19 tiêu chí xã nông thôn mới. Đến hết 2019, đã có 85,5% số xã nông thôn trên cả nước được công nhận đạt chỉ tiêu bình đẳng giới (là tiêu chí 18.6).
Mặc dù số xã được công nhận đạt tiêu chí bình đẳng giới là rất cao nhưng vẫn chưa có chuyển biến thực chất về thu hẹp khoảng cách giới trong khu vực nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam. Vấn đề bất bình đẳng giới, đặc biệt là trên các khía cạnh lao động, việc làm, sở hữu tài sản, và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu vẫn còn lớn. Báo cáo của Ủy ban Dân tộc và Ngân hàng Thế giới (năm 2019) cho thấy khoảng cách về giới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lớn hơn so với trung bình khu vực nông thôn Việt Nam.
Nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới trong xây dựng nông thôn mới, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, diễn ra vào ngày 14/10 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã đạt được những thành tích phát triển hết sức ấn tượng, trong đó có khu vực nông nghiệp, tạo ra công ăn việc làm chính cho phần lớn lao động, trong đó 63% lao động là phụ nữ làm trong lĩnh vực nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em nông thôn vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương. Cộng động quốc tế ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện lồng ghép giới và bình đẳng giới, đặc biệt là trong các quy định văn bản pháp luật, trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội mà Chương trình MTQG NTM giai đoạn 2016-2020 là một ví dụ điển hình về quá trình tăng cường cam kết của Việt Nam trong thực thi bình đẳng giới.
Theo nghiên cứu của một nhóm nghiên cứu độc lập cho thấy, mặc dù gần 86% các xã ở nông thôn Việt Nam hiện đã đạt được chỉ tiêu bình đẳng giới trong nông thôn mới, tuy nhiên vẫn còn có những bằng chứng rõ nét về bất bình đẳng giới ở nông thôn Việt Nam. Phụ nữ ở vùng nông có nguy cơ nghèo cao nhất, gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản cũng như dễ bị tổn thương bởi các yếu tố tác động. Bên cạnh đó, họ được thụ hưởng kết quả từ phát triển không ngang bằng so với nam giới.
Do vậy, cần có sự cam kết mạnh mẽ, vào cuộc của rất nhiều bên, nhiều bộ, ngành, địa phương để có thể giải quyết căn nguyên các vấn đề bình đẳng giới ở vùng nông thôn.
Ở góc độ Hội LHPN Việt Nam, Hội mong muốn được tham gia vào quá trình lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát, phát hiện và liên tiếng về các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện, thụ hưởng Chương trình MTQG NTM, bà Trần Thu Thủy, Chánh Văn phòng Trung ương Hội LHPN Việt Nam, chuyên gia Giới chia sẻ.
Tại hội thảo, đại diện Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, một số bộ, ngành liên quan, cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), các chuyên gia về Giới. cũng đã chia sẻ, thảo luận về nhiều khía cạnh của vấn đề lồng ghép giới, bình đẳng giới trong chương trình MTQG XDNTM như phương pháp tiếp cận, nguyên tắc, tiêu chí, nội dung lồng ghép giới, qua đó nhằm phát hiện những vấn đề về lồng ghép giới và thực trạng bình đẳng giới, đưa ra những khuyến nghị về lồng ghép giới trong chương trình MTQG XDNTM giai đoạn 2021-2025.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn