Theo khoản 3, Điều 5, Luật Bình đẳng giới, khái niệm bình đẳng giới được hiểu là "việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó".
Tuy nhiên, vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh, phân công lao động gia đình, việc làm không lương, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục phụ nữ trẻ em, định kiến giới trong gia đình vẫn còn nhiều tồn tại nhức nhối. Theo Khảo sát Quốc Gia về Bạo Lực đối với phụ nữ ở Việt Nam của UNFPA năm 2019, 62.9% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng chịu một hoặc nhiều hơn các hình thức bạo lực thân thể, tình dục, tình cảm và kinh tế cũng như hành vi kiểm soát của người chồng. Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90.4% người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực. Thêm vào đó, bạo lực phụ nữ góp phần làm thâm hụt 1.81% GDP của quốc gia. Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về trẻ em và phụ nữ năm 2020-2021 chỉ rõ, hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, bị xâm hại thể chất (47%), xâm hại tình dục (20%) và bị bỏ bê (29%). Trong một nghiên cứu khác, 21,4% trẻ em gái vị thành niên và 7,9% trẻ em trai vị thành niên cho biết bản thân đã từng có ý định tự tử... Điều đó làm ảnh hưởng đến các giá trị và chuẩn mực bình đẳng giới trong gia đình.
Các yếu tố nguy cơ dẫn tới bất bình đẳng giới trong gia đình càng trở nên trầm trọng và đa dạng hơn do các tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19. Bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần trong gia đình đang xảy ra đối với hàng triệu phụ nữ, trẻ em Việt Nam. Báo cáo về khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, các nước sẽ mất tới 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới do dịch COVID-19. Điều này đòi hỏi Chính phủ các quốc gia trong đó có Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn nhằm đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới thực chất. Việc chấm dứt bạo lực, xây dựng gia đình no ấm - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc phải được ưu tiên.
Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình hiện nay cần có sự chung sức, đồng lòng của tất cả các thành viên trong xã hội, các tổ chức và các cơ quan có trách nhiệm với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Bình đẳng giới được thực hiện là nền tảng để phòng chống bạo lực gia đình và ngược lại, phòng chống bạo lực gia đình sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình.
Thứ nhất, mọi người hãy cùng lên tiếng và phản đối bạo lực gia đình dưới mọi hình thức cũng như những tác động tiêu cực từ kỷ luật bạo lực, sức khỏe tâm thần, an toàn bản thân, xâm hại tình dục và những hình thức bạo lực khác. Những tiếng nói thống nhất này phải đến từ các cá nhân, bậc cha mẹ, các thành viên trong gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên, giáo viên, hàng xóm, lãnh đạo cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách và những người có tầm ảnh hưởng - đủ mạnh để tạo động lực làm thay đổi các tồn đọng, phá bỏ rào cản trong việc giữ gìn nền tảng gia đình.
Thứ hai, mọi người hãy xích lại gần nhau để tạo ra làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ từ công chúng với tư tưởng không chấp nhận bất kỳ hình thức bạo lực nào trong gia đình. Điều đó sẽ giúp những thứ vô hình trở nên hữu hình, giúp xã hội nhìn nhận thấu đáo kẻ gây bạo lực ẩn danh, chấm dứt tất cả các hình thức bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Thứ ba, mọi người hãy tôn trọng tất cả phụ nữ và trẻ em, hãy lắng nghe họ, đồng hành cùng họ, tìm kiếm hoặc cung cấp sự hỗ trợ khi chứng kiến bạo lực trẻ em và phụ nữ và cùng lan tỏa thông điệp của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái".
Xây dựng văn hóa gia đình, phát triển người Việt Nam toàn diện thì nhất thiết phải thực hiện bình đẳng giới trong gia đình. Đó là giải pháp quan trọng trong xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như Chỉ thị 49-CT/TW và Thông báo kết luận số 26-TB/TW của Ban Bí thư.
Điều 18 Luật Bình đẳng giới quy định về Bình đẳng giới trong gia đình gồm 5 khía cạnh:
Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình
Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình
Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật
Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển
Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.
* Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn