Đây cũng là một nội dung thuộc Dự án 6 - "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đang được triển khai tại Bình Định
Các làng trên địa bàn xã Canh Thuận, huyện Vân Canh đều có những hộ dân làm nghề dệt vải thổ cẩm, nhưng tập trung nhiều nhất là tại làng Hà Văn Trên. Nhờ nguồn nguyên liệu sẵn có cùng kỹ thuật dệt được truyền lại từ nhiều đời nay mà những đôi bàn tay khéo léo và đôi mắt tinh tế của người phụ nữ làng Hà Văn hàng ngày vẫn tạo ra những sản phẩm độc đáo. Sản phẩm từ thổ cẩm ở đây được nhìn nhận sắc xảo, hoa văn mang đường nét đẹp nhuần nhuyễn, hài hòa về sắc màu.
Theo bà Đinh Thị Xuân Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, để tạo ra một tác phẩm thổ cẩm đẹp, mất nhiều thời gian cũng như công sức. Trung bình để làm ra một chiếc áo phải mất 20 ngày và tốn từ 40 - 50 búp len. Mỗi búp len hiện nay có giá bán từ 15 - 20 nghìn đồng. Mỗi tấm thổ cẩm thường có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng. Sản phẩm từ thổ cẩm rất phong phú, hiện nay họa tiết trên thổ cẩm chủ yếu là do khách hàng đặt. Do đó yêu cầu người thợ dệt phải tỉ mỉ và khéo léo để đáp ứng mong muốn của khách hàng. Mỗi họa tiết sẽ có công thức riêng, người dệt phải tính sao cho số lượng sợi chỉ phù hợp, sau đó phối màu và dệt cho ra sản phẩm.
Gần đây, mô hình phát triển du lịch cộng đồng sinh thái tại làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận được Trường Đại học Tôn Đức Thắng chọn làm chủ đề tài nghiên cứu và đã nghiệm thu. Đề tài đã chỉ ra những giá trị đặc sắc từ nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na cũng như tiềm năng lớn để địa phương xây dựng mô hình du lịch bền vững đối với nghề truyền thống này.
Cùng với nhìn nhận trên, bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định đánh giá: Làng Hà Văn Trên có bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện qua những nghề thủ công như dệt thổ cẩm, các lễ hội cồng chiêng và múa xoang, đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm có giá trị rất lớn, không chỉ là sản phẩm truyền thống mà còn có thể kết hợp để phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo. Song song đó, các lễ hội cồng chiêng hay múa xoang cũng là những hoạt động văn hóa đặc sắc có thể đầu tư tổ chức để thu hút du khách. Hiện sở Du lịch Bình Định đang phối hợp với công ty, doanh nghiệp lữ hành thành lập các tuyến tour đưa khách về làng Hà Văn Trên trải nghiệm văn hóa của người Ba Na, trong đó có tham quan làng nghề dệt thổ cẩm.
Nghề dệt thổ cẩm của người Bana ở Hà Văn Trên đang đứng trước nhiều thử thách do cuộc sống đã có những đổi thay. Để duy trì, bảo tồn và phát huy nghề dệt lâu đời này, UBND huyện Vân Canh những năm qua đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó có sáng kiến vận động, tạo điều kiện để chị em phụ nữ Ba Na ở Hà Văn Trên thành lập nên các tổ dệt thổ cẩm. Ngoài các mẫu hoa văn truyền thống, người Ba Na hiện đã sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, hoa văn cách tân để sản phẩm đẹp hơn, phù hơn với nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng hiện nay.
Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cũng là vấn đề quan trọng trong việc khẳng định chất lượng cũng như quảng bá sản phẩm. Theo ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý cho Hội LHPN xã Canh Thuận được sử dụng địa danh "Hà Văn Trên - Canh Thuận - Vân Canh - Bình Ðịnh" đăng ký nhãn hiệu tập thể "Vải thổ cẩm Hà Văn Trên".
Nhờ sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp chính quyền và sự nỗ lực bảo tồn của những người phụ nữ Ba Na mà nghề dệt có thêm nhiều điều kiện để việc giữ gìn và phát huy được tốt hơn trong bối cảnh đời sống thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn