Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định, về chủ đề Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
- Xin chị cho biết, công tác nâng cao năng lực chuyển đổi số cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Bình Định được triển khai, thực hiện thế nào?
Bình Định nằm ở Duyên hải miền Trung, là địa phương có địa hình đa dạng, phong phú. Ngoài 5 huyện ven biển, Bình Định có 22 xã đặc biệt khó khăn theo quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ (gồm 109 thôn) và 7 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã có thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quyết định 612 của Ủy ban dân tộc.
Dân số dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng miền núi tỉnh Bình Định năm 2022 có khoảng 11.344 hộ, 41.445 nhân khẩu. Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, vùng DTTS và miền núi ở Bình Định vẫn là vùng "lõi nghèo". Mặc dù giao thông đã được cải thiện, nhưng dân trí, điều kiện sống ở nhiều địa phương vẫn còn rất khó khăn. Trong đó, phụ nữ và trẻ em là đối tượng đã và đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Cùng với nhiều chính sách nâng cao đời sống cho đồng bào thiểu số, các dự án đang được triển khai giúp cải thiện nâng cao đời sống của bà con vùng này một cách đáng kể.
Năm 2022, Hội LHPN tỉnh Bình Định đã tiến hành khảo sát 5.240 phụ nữ, nam giới, cán bộ sinh sống tại vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, trong đó 3.599 nữ giới và 1.641 nam giới; tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người dân tại vùng khảo sát chiếm 83% dành vào mục đích liên lạc và có khoảng 51% tham gia mạng xã hội như facebook, Zalo, Tiktok… Việc triển khai thực hiện khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII về "Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin" và Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" là cơ hội để công tác chuyển đổi số được đi sâu, các cấp Hội được phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia cùng chính quyền đẩy mạnh chuyển đổi số ở địa phương, đặc biệt ở vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Hội LHPN tỉnh Bình Định đã có kế hoạch chỉ đạo các cấp Hội chú trọng thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm và đề ra chỉ tiêu cụ thể thực hiện trong nhiệm kỳ. Thông qua triển khai Dự án 8, Tỉnh Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số - lấy người dân làm trung tâm tại các thôn, làng tại các huyện miền núi, trung du của tỉnh; tích cực đăng tải hình ảnh hoạt động của Dự án 8, thông tin các dấu hiệu nhận biết các chiêu lừa đảo, xâm phạm dữ liệu cá nhân trên các trang mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của chị em hội viên phụ nữ tại các vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông trên mạng xã hội, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hướng dẫn quảng bá, phát triển các sản phẩm bản địa...
- Việc thực hiện có gặp những khó khăn, thách thức gì không, thưa chị?
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, mở ra nhiều cơ hội mới, song cũng đặt ra những thách thức, khó khăn cho phụ nữ, đặc biệt phụ nữ DTTS. Do hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, trình độ dân trí còn hạn chế; cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin, việc kết nối, xây dựng mạng lưới hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thông qua mạng xã hội đối với DTTS tại khu vực nông thôn còn hạn chế; tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ứng dụng các dịch vụ còn thấp; sự gia tăng của các hoạt động trực tuyến livestream trên mạng xã hội có thể khiến phụ nữ phải đối mặt rủi ro an ninh mạng (lừa đảo, xâm phạm quyền riêng tư…).
- Chuyển đổi số cũng mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là chị em ở miền núi. Chị cho biết, thực tế cơ hội đó như thế nào?
Chuyển đổi số đã đem đến những cách tiếp cận mới để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo ra nhiều ngành nghề mới, mang đến cơ hội bình đẳng cho chị em phụ nữ về tiếp cận dịch vụ, thương mại điện tử, tiếp cận nguồn tài nguyên kiến thức dồi dào từ các khóa học trực tuyến, gia tăng cơ hội việc làm, có thể khởi nghiệp ngay tại chính ngôi nhà, địa phương của mình..., mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống.
Tại Bình Định, việc chuyển đổi số ở lĩnh vực kinh tế cũng được Hội LHPN tỉnh chú trọng trong việc tổ chức các lớp tập huấn về Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cho các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ quảng bá, phát triển các sản phẩm bản địa, cải thiện sản xuất, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường; tập huấn cách livestream bán hàng... cho phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ ở vùng miền núi. Tổ chức các phiên chợ kết nối, giới thiệu các sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát huy vai trò của phụ nữ thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" tham gia khởi nghiệp, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" tham gia khởi nghiệp; tích cực vận động, hỗ trợ tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp... thông qua các hoạt động giúp chị em phụ nữ DTTS tiếp cận thông tin chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách vùng miền. Tuy nhiên, chị em phụ nữ tại các vùng miền núi vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin nên ảnh hưởng phần nào đến việc hiện thực hóa các cơ hội được trao.
- Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Bình Định tập trung như thế nào trong việc nâng cao năng lực chuyển đổi số cho phụ nữ DTTS?
Thực hiện chủ đề năm 2024 "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động thi đua và tiếp tục thực hiện phấn đấu thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, Hội LHPN tỉnh Bình Định tập trung chỉ đạo các cấp Hội:
- Quan tâm tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách các cấp về ứng dụng phần mềm quản lý trong hoạt động Hội, chuyển đổi số, kỹ năng livestream, tính năng cần thiết của các trang mạng xã hội....; sử dụng thành thạo phần mềm quản lý trong hoạt động Hội đảm bảo vận hành đồng bộ việc sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, hội viên trong các cấp Hội.
- Số hóa tài liệu, đăng tải nội dung trên Website, Fanpage Hội LHPN tỉnh; mạng xã hội phục vụ công tác tuyên truyền. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng số (Zalo, facebook, fanpage của Hội).
- Hội LHPN các cấp tích cực đề xuất với cấp ủy, chính quyền bố trí ngân sách đầu tư thiết bị, nâng cấp máy tính, nâng cấp đường truyền Internet, trang bị phần mềm quản lý văn bản điện tử, đồng bộ kết nối trang thông tin diện rộng của Đảng - hệ thống Lotus Notes/Idesk, chữ ký số… và các điều kiện cần thiết để phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương: "Phấn đấu 100% Hội LHPN xã, phường, thị trấn được trang bị máy tính làm việc và 80% cơ sở Hội vận dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong tập hợp, phát triển, quản lý hội viên và thu hút phụ nữ, hội viên tham gia sinh hoạt Hội trên môi trường mạng".
- Hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế số thông qua các hoạt động tuyên truyền; trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tham gia sàn giao dịch điện tử, các hoạt động kinh doanh trực tuyến phù hợp với quy định của pháp luật; tham gia thanh toán điện tử, hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt.
- Chú trọng phát hiện, tuyên truyền, tôn vinh, nêu gương các điển hình tiên tiến là phụ nữ dân tộc thiểu số; nhận rộng mô hình hiệu quả, cách làm hay trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp, phối hợp vận động hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ tại các địa bàn miền núi của tỉnh.
Xin trân trọng cảm ơn chị!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn