Thành viên của các đội thi là cán bộ hội, hội viên phụ nữ Hội LHPN các huyện/thị/thành phố, Hội Phụ nữ LLVT tỉnh, nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Liên đoàn Lao động tỉnh, hội viên Hội Nữ doanh nhân tỉnh.
Liên hoan nhằm góp phần kế thừa, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; phát hiện, nuôi dưỡng, nhân rộng những hạt nhân trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, khơi dậy, lan tỏa và cổ vũ các tầng lớp phụ nữ, quần chúng nhân dân nỗ lực giữ gìn làn điệu hát ru, hát dân ca.
Phát biểu khai mạc Liên hoan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Liên hoan hát ru, hát dân ca nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các làn điệu truyền thống của các vùng, miền; Tuyên truyền, giáo dục các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc, công tác Hội cho các cán bộ, hội viên, phụ nữ; đồng thời tạo sân chơi, nơi giao lưu văn hóa, học hỏi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động tuyên truyền giữa các huyện, thị, thành hội trong cả tỉnh. Có thể nói, Liên hoan Hát ru và Hát dân ca nhằm tiếp tục giáo dục cho các tầng lớp phụ nữ về văn hóa truyền thống, cũng chính là góp phần thiết thực thực hiện quan điểm của Đảng khóa XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Qua đó, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Hội phụ nữ trong thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng Gia đình 5 không 3 sạch", xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần thực hiện các nhiệm vụ và chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Từ trái qua: Tiết mục dự thi của các đội Tây Sơn, lực lượng vũ trang và đội Quy Nhơn.
Mỗi đội tham gia 2 phần thi. Phần chào hỏi, các đội sử dụng các thể loại thơ ca, hò vè, đặc trưng của làn điệu hát ru, hát dân ca, thể hiện rõ bản sắc văn hóa vùng miền, mang đậm dấu ấn của địa phương, tạo nên nét riêng của mỗi đội, giới thiệu về địa phương, đơn vị, về đội thi… Phần thi Hát ru, Hát dân ca, các tiết mục dự thi được biên tập, dàn dựng thành chương trình/tiểu phẩm hoặc hoạt cảnh có tính liên kết, xuyên suốt và tính nghệ thuật.
Qua Liên hoan, đã phát hiện nhiều hạt nhân, tài năng nghệ thuật, tiêu biểu trong phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ngay tại cơ sở. Chính ở đó còn đang lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống rất đa dạng, phong phú, độc đáo, giàu bản sắc trong kho tàng văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ của các đơn vị, ngành, địa phương được duy trì thường xuyên đã làm phong phú đời sống tinh thần của đội ngũ CBCCVC và nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Cơ quan văn hóa" tại các địa phương trong tỉnh.
Liên hoan là dịp để thấy được chính mô hình các CLB văn hóa, văn nghệ ở cơ sở là môi trường lưu giữ và bảo tồn tốt các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, là nơi phát hiện, nuôi dưỡng và phát triển năng khiếu nghệ thuật của hạt nhân văn nghệ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn