Bình Dương: Cần xem xét thu hồi những dự án sai phạm của công ty Kim Oanh

18:07 | 28/11/2020;
Cơ quan điều tra khởi tố, những sai phạm của công ty Kim Oanh đã và đang được làm rõ, nhưng một vấn đề khiến dư luận không khỏi lo lắng, đó là vì sao các biện pháp xử lý với các vụ việc đến nay vẫn chưa được thực hiện kiên quyết.

Như chúng tôi đã đưa tin, với hàng loạt sai phạm, trong đó có liên quan đến vấn đề trốn thuế và có lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Kim Oanh Group, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra làm rõ những dấu hiệu này.

Theo quy hoạch, Khu đô thị Tân Phú (Bình Dương) có hơn 2.000 sản phẩm đất nền, nhà xây sẵn cùng hệ thống dịch vụ, tiện ích hiện đại phục vụ nhu cầu cuộc sống cư dân. Sau khi thâu tóm xong Công ty Tân Phú,  Công ty Kim Oanh đã nhanh chóng động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú mặc dù chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như giấy phép xây dựng.

Chính vì vậy, ngay sau đó Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình DƯơng đã buộc dừng thi công do dự án này.

43 ha đất Khu đô thị Tân Phú

43 ha đất Khu đô thị Tân Phú

Các đơn vị thành viên Kim Oanh Group cùng hợp tác phát triển dự án khu đô thị Tân Phú với tư cách chủ đầu tư, thi công và phân phối. Đáng chú ý, Kim Oanh Group đã có dấu hiệu huy động vốn của nhiều khách hàng dưới hình thức góp vốn hay "hợp đồng vay tiền" liên quan đến Dự án Tân Phú thông qua Công ty Nam Kim.

Theo tài liệu chúng tôi có được, từ tháng 5/2019 đến hết tháng 9/2019 Công ty Nam Kim đã có 651 giao dịch với khách hàng qua ngân hàng với tổng số tiền 405 tỷ đồng (chưa kể giao dịch tiền mặt và qua các kênh khác ngoài Công ty Nam Kim). Số tiền này lớn hơn số tiền Công ty Kim Oanh mua Công ty Tân Phú để có được 43 ha đất.

Điều đáng nói, mặc dù dự án chưa được hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhưng công ty này vẫn bán với giá hàng chục triệu một mét vuông đất. Với 43 ha của dự án này thì số tiền mà công ty đã thu của khách hàng lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng… Có những giao dịch hàng chục tỷ đồng đã được chuyển tiếp cho Công ty Tân Phú. Điều kiện hợp đồng được ghi rất rõ "Bên B là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tân Phú; dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các bước thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai hạ tầng và sớm đưa sản phẩm ra kinh doanh".

Tổng Công ty Bình Dương vi phạm nghiêm trọng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản nhà nước và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, gây thất thoát cho Nhà nước. Các giao dịch góp vốn, chuyển nhượng vốn trái pháp luật không có giá trị. Công ty Kim Oanh chỉ là người mua lại cổ phần từ Công ty Âu Lạc để sở hữu Công ty Tân Phú. Công ty Kim Oanh hưởng lợi ích và cũng phải chịu trách nhiệm về các hoạt động, rủi ro của Công ty Tân Phú.

Cần thu hồi các dự án để đảm bảo lợi ích của nhà nước

Việc thu hồi 43 ha đất về cho Nhà nước là việc cần thực hiện ngay để hạn chế tối đa các thiệt hại. Bên cạnh đó, các cơ quan pháp luật cần xử lý ngay các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi huy động vốn, bán đất khu Tân Phú khi chưa đủ điều kiện.

Ngoài dự án Tân Phú, Kim Oanh còn thực hiện một số dự án đầy tai tiếng không kém như dự án Cầu Đò, Dự án Hòa Lân. Hàng trăm ha đất vị trí đẹp đã rơi vào tay Kim Oanh Group với giá trúng đấu giá rất thấp.

Với các lô đất tại Dự án Hòa Lân, Thông báo bán đấu giá quy định người trúng đấu giá phải thanh toán toàn bộ số tiền trúng đấu giá trong vòng 45 ngày, kể từ ngày đấu giá thành. Trên thực tế, gần 2 năm sau, Công ty Kim Oanh mới thanh toán hết số tiển mua tài sản trúng đấu giá.

Cần thu hồi dự án sai phạm để đảm bảo lợi ích cho nhà nước

Cần thu hồi dự án sai phạm để đảm bảo lợi ích cho nhà nước

Dù chưa được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận là chủ đầu tư, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn, Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn, Công ty Kim Oanh vẫn ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá công chứng tại Văn phòng công chứng Thành phố mới vào ngày 01/7/2017.

Tại Dự án Mỹ Phước 4, Cầu Đò, nghiêm trọng hơn, Văn phòng công chứng Mỹ Phước còn công chứng cả nội dung trái pháp luật để các bên mua, bán hàng chục ha đất được nhà nước giao không thu tiền, là đất không được phép thế chấp, mua, bán.

Cần xác định các cuộc đấu giá trên là đấu giá quyền sử dụng đất chứ không phải đấu giá Dự án. Chưa đề cập đến việc đấu giá có nhiều sai phạm, Công ty Kim Oanh trúng đấu giá mua quyền sử dụng đất, chứ không phải trúng đấu giá Dự án, để đương nhiên Công ty Kim Oanh làm chủ đầu tư và phân lô, bán nền.

Tại dự án Mỹ Phước 4 và Cầu Đò, có hơn 35 ha đất được Nhà nước giao không thu tiền. Theo quy định của Luật đất đai thì người sử dụng đất không được chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khi Nhà nước thu hồi thì không được bồi thường.

Chính vì thế, Agribank Chợ Lớn chỉ nhận thế chấp hợp pháp các khu đất mà Công ty Thiên Phú được giao có thu tiền, việc thế chấp được công chứng, đăng ký theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, bất chấp pháp luật, phần đất được Nhà nước giao không thu tiền trên được định giá 155 tỷ đồng và bán đấu giá, được công chứng để chuyển nhượng cho Công ty Kim Oanh. Như vậy, về bản chất, đất đai của Nhà nước đã bị chuyển nhượng và thu hồi nợ trái pháp luật.

Tổng số nợ của Công ty Thiên Phú với Ngân hàng Nông nghiệp được đảm bảo bằng các khu đất tại Dự án Mỹ Phước 4, Cầu Đò là 294 tỷ nợ gốc, chưa kể lãi ít nhất cũng vài trăm tỷ đồng trong suốt hơn 10 năm. Trong khi tổng số tiền bán tài sản ưu ái "trả chậm" cho Công ty Kim Oanh thu về là 301 tỷ đồng. Số tiền ngân hàng không thu được là hàng trăm tỷ đồng.

Nếu trừ đi số tiền giá trị đất giao không thu tiền bị chuyển nhượng trái pháp luật mà bản chất phải thuộc về ngân sách thì thực chất số tiền Agribank Chợ Lớn thu về chỉ là 146 tỷ đồng, chưa được 50% số nợ gốc.

Rõ ràng, sai phạm của công ty Kim Oanh đã được chỉ rõ, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án, nhưng các biện pháp xử lý vấn chưa được thực hiện kiên quyết. Các chuyên gia cho rằng, cần thu hồi số tiền chuyển nhượng đất trái pháp luật, xem xét lại việc đấu giá và thu hồi các dự án trên để đảm bảo lợi ích của Nhà nước.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn