Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với dân số gần 2,7 triệu người; trong đó có 53,3% là lao động ngoài tỉnh về làm việc và sinh sống.
Theo Hội LHPN tỉnh Bình Dương, trong thời gian qua, các cấp Hội trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực cùng với cấp ủy, chính quyền, các sở ban ngành hoàn thành các nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội... Trong đó đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ lao động nữ nhập cư, trẻ nhỏ tại các địa bàn khu công nghiệp.
Phường Chánh Phú Hòa (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) là địa bàn tập trung nhiều công nhân nhập cư, với hơn 12.000 người tạm trú. Theo Hội LHPN phường Chánh Phú Hòa, từ thực tế của địa phương, Hội đã tiến hành khảo sát các nhà trọ, số lượng nữ công nhân ở trọ, trên cơ sở đó tranh thủ sự hỗ trợ của các chủ nhà trọ tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành các quy trình đảm bảo về điều kiện thành lập "Chi hội nữ công nhân nhà trọ". Tính đến nay, Hội đã thành lập 18 chi hội nữ công nhân nhà trọ với tổng số hội viên hơn 620 hội viên.
Hội tổ chức sinh hoạt hàng quý và ngoài ra còn có sinh hoạt vào các dịp lễ tết cho các hội viên với các hoạt động như thi hái hoa dân chủ, hội thi nấu ăn, thi hát karaoke, thi các trò chơi dân gian…. hay bán hàng giảm giá 50% cho các công nhân nhà trọ.
Cũng theo Hội LHPN phường Chánh Phú Hòa, hàng năm, Hội thường xuyên phối hợp với ngành tư pháp, ngành công an tuyên truyền cho các hội viên, các chủ nhà trọ về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, về các quy định của pháp luật Việt Nam, cùng với các vấn đề nóng của xã hội như tín dụng đen và các chiêu trò lừa đảo qua mạng.
Cũng là địa bàn tập trung nhiều nữ công nhân nhập cư sinh sống tại các khu nhà trọ, từ nhiều năm qua, Hội LHPN phường Vĩnh Phú (TP.Thuận An, Bình Dương) đã thành lập mô hình "Siêu thị 0 đồng" nhằm san sẻ phần nào những vất vả với nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trong nhiều năm liền mô hình được triển khai đều đặn mỗi tháng một lần rồi sau này chuyển sang mỗi quý một lần. Với sự hỗ trợ, chia sẻ của các nhà hảo tâm, siêu thị đặc biệt này có rất nhiều mặt hàng gồm các đồ dùng sinh hoạt đã qua sử dụng như tủ lạnh, xe đạp, nồi cơm điện, máy ép trái cây đến các nhu yếu phẩm như gạo, rau củ quả… để công nhân lựa chọn.
Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho công nhân xa quê
Theo Hội LHPN tỉnh Bình Dương, lao động nữ nhập cư phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, tiền lương hàng tháng của người lao động thấp trong khi chi tiêu thường xuyên của lao động di cư luôn ở mức cao hơn so với chi tiêu của lao động địa phương. Họ phải chi trả khá nhiều khoản tiền cho các nhu cầu thuê nhà ở, ăn uống, đi lại, nuôi con, chăm sóc y tế, lo chuyện hiếu hỉ… Không ít người phải tiết kiệm tiền gửi về quê để hỗ trợ gia đình.
Bên cạnh đó, công nhân lao động di cư đến làm việc trong các khu công nghiệp, thường là những người ngoại tỉnh sống xa nhà nên rất thiếu thốn tình cảm. Điều đáng quan tâm là việc quan hệ yêu đương và tiến đến hôn nhân của công nhân gặp nhiều khó khăn. Thực tiễn này dẫn đến một số vấn đề trong cuộc sống của công nhân như hình thành lối sống tự do, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và nạo phá thai nhiều lần, sinh con ngoài ý muốn.
Đối với công nhân đã có gia đình, do hoàn cảnh phải thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ để tăng thu nhập hàng tháng nên họ gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc nuôi dạy con, quan tâm giữ gìn hạnh phúc gia đình. Áp lực về chi tiêu học hành con cái, chi phí cuộc sống hàng ngày và các chi phí khác dẫn đến những mâu thuẫn, xích mích vợ chồng, đe dọa hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Tình trạng ly hôn của các gia đình trẻ gần đây tăng lên cũng là điều cần quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, với phương châm "trách nhiệm, nghĩa tình, không để ai bị bỏ lại phía sau", lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ cho lao động, công nhân xa quê.
Nhiều mô hình được thành lập và hoạt động hiệu quả như chi hội phụ nữ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, chi hội phụ nữ công nhân nhà trọ, chi đoàn thanh niên xa quê... tạo sân chơi lành mạnh cho công nhân lao động. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp. Qua đó giúp cho các nhóm trẻ có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy trẻ tốt hơn; giúp các cha mẹ là công nhân lao động yên tâm lao động, ổn định cuộc sống.
Để tiếp tục giải quyết những vấn đề đặt ra đối với lao động nhập cư trên địa bàn, Hội LHPN tỉnh Bình Dương cho hay các cấp Hội trong tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức tốt cuộc sống gia đình, xây dựng và nhân rộng mô hình giáo dục về gia đình.
Bên cạnh đó, tuyên truyền rộng rãi đến hội viên, phụ nữ, công nhân tại các cụm, khu công nghiệp thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội trong doanh nghiệp; đẩy mạnh truyền thông về các chế độ chính sách cho công nhân. Tham gia giám sát việc chi trả chế độ, chính sách đặc thù cho đối tượng công nhân xa quê, đảm bảo công bằng, minh bạch. Đồng thời, tiếp tục vận động các chủ nhà trọ giảm bớt tiền thuê nhà, áp dụng chính sách của Nhà nước về giá điện nước cho công nhân xa quê đăng ký tạm trú để họ giảm chi phí trong sinh hoạt hàng tháng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn