Điểm đến của du lịch sinh thái nhà vườn
Bà Cao Thị Thu Hồng, Trưởng ấp Bình Hưng, xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, Bình Dương), cho biết, bản thân bà nhận thấy được sự phát triển nhanh chóng của xã trong thời gian qua với cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, việc triển khai Đề án "Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng thí điểm làng thông minh" trên địa bàn đã và đang mang lại nhiều kỳ vọng cho người dân.
"Các tuyến đường hoa, tuyến đường không rác được Hội LHPN triển khai thực hiện giúp cho môi trường xanh, sạch, đẹp hơn. Với Đề án xây dựng làng thông minh, hệ thống đèn chiếu sáng tiết kiệm được triển khai, wifi công cộng được lắp đặt. Việc xây dựng làng thông minh sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân", bà Thu Hồng chia sẻ.
Đứng giữa vườn bưởi da xanh rộng 2ha với 400 gốc, anh Võ Ngọc Tài, ngụ ấp Tân Trạch (xã Bạch Đằng), kỳ vọng Đề án xây dựng làng thông minh sẽ là "bệ đỡ" để anh tiếp tục phát triển kinh tế gia đình trong thời gian tới. Trong đó, vườn bưởi của anh sẽ được đầu tư để trở thành mô hình sản xuất kết hợp du lịch sinh thái trên địa bàn.
"Diện tích đất trồng bưởi hiện nay trước kia vốn là đất trồng lúa. Nhưng sau đó tôi cải tạo, chuyển sang trồng bưởi. Trong thời gian đầu, gia đình tôi gặp không ít khó khăn nhưng rồi cũng dần mang lại hiệu quả. Năm 2022, vườn bưởi đem lại lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Hy vọng với Đề án xây dựng làng thông minh, tôi sẽ được hỗ trợ vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất, đổi mới mô hình, ngày càng nâng cao hiệu quả kinh tế", anh Tài cho hay.
Trong năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 76 triệu đồng/người/năm; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, bộ mặt nông thôn mới ngày càng đổi mới.
Trở thành nơi đáng sống
"Trong thực hiện Đề án xây dựng làng thông minh, phụ nữ đóng một vai trò rất quan trọng, nhất là góp phần trong việc tạo môi trường xanh, sạch, đẹp qua các hoạt động như phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng đường hoa… gắn với triển khai Cuộc vận động xây dựng "gia đình 5 không, 3 sạch". Bên cạnh đó, hội viên phụ nữ còn góp phần vào việc lan tỏa, nâng cao các hoạt động văn hóa, văn nghệ".
Ông Nguyễn Minh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, Bình Dương)
Ông Nguyễn Minh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết, Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng thí điểm làng thông minh đã được phê duyệt và triển khai trên toàn xã để người dân được biết và tham gia.
Đến nay, hệ thống đường giao thông liên ấp với 37 tuyến đã được bê tông, nhựa hóa và trồng hoa, cây xanh. Vườn bưởi VietGap đã được phát triển gồm 10 hộ với tổng diện tích 10ha, ứng dụng tem truy xuất nguồn sản phẩm. Bên cạnh đó, xã cũng đã đầu tư hệ thống đèn led chiếu sáng tiết kiệm năng lượng trên 3 tuyến đường, lắp đặt 5 điểm wifi công cộng phục vụ người dân.
Theo ông Nguyễn Minh Sang, Đề án xây dựng làng thông minh nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Từ đó, người dân cùng chung tay thực hiện, trực tiếp thụ hưởng thành quả mà mình đóng góp. Tuy nhiên, do đây là mô hình mới nên bước đầu thực hiện cũng còn gặp khó khăn, hạn chế. Trong quá trình thực hiện cần phải tham vấn, cần sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều ngành chức năng.
"Để phát huy sự tham gia của người dân, UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã tăng cường công tác tuyên truyền về mục tiêu của Đề án, xây dựng xã Bạch Đằng là nơi đáng sống, thân thiện với môi trường thiên nhiên", Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng nhấn mạnh.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên (Bình Dương), cho biết, xã Bạch Đằng được tỉnh chọn để triển khai Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng thí điểm làng thông minh và đã được triển khai từ năm 2022. "Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư cho xã Bạch Đằng triển khai Đề án, góp phần thực hiện làng thông minh", ông Tươi nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn