Chị Lý Ngọc Yến (dân tộc Hoa, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) vừa được nhận hỗ trợ sinh kế trị giá 5 triệu đồng từ Cụm thi đua Hội LHPN các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Xã Minh Tân - nơi chị Yến sinh sống - là địa phương duy nhất của tỉnh Bình Dương thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống (Hoa, Tày, Khmer, Mường, Nùng, Cao Lan). Trong đó đông nhất là người Hoa.
Gia đình chị Yến thuộc hộ cận nghèo. Chồng chị mất do tai nạn lao động, 2 con đang tuổi ăn tuổi học, ba mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Nhiều năm qua, một mình chị phải gồng gánh buôn bán, cáng đáng mọi việc để trang trải cuộc sống.
Chị Yến tâm sự: "Lúc trước, tôi và chồng đi làm cho công ty. Từ sau khi chồng mất, tôi chuyển sang buôn bán nhỏ để ở gần nhà và chăm sóc con cái. Với số tiền hỗ trợ sinh kế, tôi sẽ mua thêm hàng về tìm mặt bằng ổn định để bán. Tôi sẽ cố gắng vươn lên và nuôi con thật tốt, phấn đấu lo cho các con đi học nên người. Tôi cảm ơn các chị đã hỗ trợ, tiếp sức cho tôi trong lúc khó khăn này".
Cùng trú tại xã Minh Tân, chị Thái Thanh Tuyền, người dân tộc Hoa, cũng được nhận hỗ trợ sinh kế từ Cụm thi đua Hội LHPN các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Chị Tuyền dự tính sẽ chăn nuôi gà thả vườn để phát triển kinh tế gia đình.
Chị Tuyền kể, những năm trước, chị làm công nhân tại Khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai. Sau khi chị lập gia đình và sinh con, chị về quê ở luôn. Bản thân chị bị khuyết tật ở tay nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình xin việc trở lại. Chồng chị cũng đi làm thuê nên thu nhập không ổn định. "Khi về lại địa phương, nhờ tham gia hoạt động Hội mà tôi được quen biết các chị, rồi được hỗ trợ sinh kế lần này, tôi cảm thấy rất mừng. Tôi sẽ thực hiện mô hình chăn nuôi gà để phát triển kinh tế gia đình. Cầu mong mọi việc được suôn sẻ, có đồng thu nhập cho đỡ cực", chị Tuyền chia sẻ.
Gia đình chị Ro Ni (dân tộc Chăm, ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, Dầu Tiếng, Bình Dương) cũng thuộc diện khó khăn. Chị Ro Ni luôn mong muốn có đồng vốn để buôn bán nhỏ. Chồng chị mới bị tai nạn nên mất sức lao động, anh chị có 3 người con, đứa nhỏ nhất mới 6 tuổi. Cả gia đình đang ở nhờ nhà của người thân.
Chị Ro Ni cho biết: "Chồng tôi bị tai nạn gãy xương vai và xương hàm, giờ đây một mình tôi lo toan, chạy vạy để lo miếng ăn cho cả nhà. Mỗi ngày, tôi đi mò hến bắt ốc bán được 100- 150 nghìn đồng, bữa nào bắt được nhiều thì đỡ, bữa nào không bắt được thì đành vay mượn. Tôi mong muốn có số vốn để buôn bán nhỏ, tôi sẽ cố gắng tính toán làm ăn để vượt qua khó khăn".
Vừa qua, Cụm thi đua Hội LHPN các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu) tổ chức chuỗi hoạt động với chủ đề "Phụ nữ miền Đông Nam bộ tự hào truyền thống, chia sẻ yêu thương". Nhân dịp này, Cụm thi đua đã trao sinh kế cho 5 phụ nữ DTTS có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần trị giá 5 triệu đồng và nhiều phần quà do các mạnh thường quân hỗ trợ. Đó là những nghĩa cử cao quý, thiết thực, kịp thời hỗ trợ các chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên bằng chính nghị lực của mình.
Bà Trương Thị Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), cho biết: "Các chị em DTTS của địa phương được nhận sinh kế lần này đều thuộc diện khó khăn. Vậy nên, chúng tôi sẽ bố trí cán bộ ở Hội LHPN xã hỗ trợ, tư vấn chị em cách sử dụng hiệu quả kế sinh nhai. Chị em nào muốn buôn bán nhỏ, mở xe nước mía… thì Hội sẽ hướng dẫn cách kinh doanh, cách lấy hàng. Với chị em muốn chăn nuôi, Hội sẽ hướng dẫn cách chọn con giống, hỗ trợ kiến thức chăn nuôi. Nếu các chị tự tìm được đầu mối mua con giống thì các chị sẽ tự đi mua hoặc Hội sẽ mua giúp. Chúng tôi sẽ theo sát để hướng dẫn, giúp đỡ để các chị duy trì tốt mô hình của mình. Mong rằng, các chị sẽ tự vươn lên bằng chính đôi tay của mình, từng bước tự chủ, khẳng định được bản thân".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn