Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Việc ban hành kế hoạch triển khai nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra của Dự án 8. Các hoạt động của Dự án cần được triển khai sát với nội dung, yêu cầu chỉ đạo của TƯ Hội LHPN Việt Nam, của UBND tỉnh Bình Phước và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tỉnh; đảm bảo hiệu quả, thực chất, tiết kiệm, đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Theo đó, kế hoạch triển khai có các nội dung chính gồm: Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Đồng thời, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn/ấp, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Giúp cho đời sống phụ nữ dân tộc ngày một tốt hơn
Trước đó, Hội LHPN tỉnh Bình Phước cũng tổ chức buổi truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại xã Lộc Phú (huyện Lộc Ninh).
Đây là chương trình của Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Buổi truyền thông có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là cán bộ, hội viên, phụ nữ… trong ban chủ nhiệm, thành viên nòng cốt phụ trách công tác phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở tham dự chương trình. Tại đây, các đại biểu được truyền thông ba nội dung gồm: khái niệm về gia đình; kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; phòng chống bạo lực gia đình, cùng với việc hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Buổi truyền thông mang lại hiệu quả thiết thực thông qua các hình ảnh, tiểu phẩm ngắn, clip, đố vui về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em. Với hình thức truyền thông sinh động, hấp dẫn, có sự tương tác, giao lưu với đại biểu, chia sẻ kiến thức, kỹ năng xây dựng hạnh phúc gia đình. Qua đó đã giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ và đông đảo người dân hiểu thêm nội dung liên quan đến công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực và hỗ trợ nạn nhân khi bị bạo lực gia đình.
Qua buổi truyền thông giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, bảo vệ chăm sóc phụ nữ và trẻ em, để cùng nhau truyền đi những thông điệp về giá trị tốt đẹp. Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình cùng chung tay xây dựng hạnh phúc, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Hội LHPN tỉnh Bình Phước, hiện nay, tổng số hội viên dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước là hơn 44.460 người, trong đó hội viên dân tộc là hơn 20.680. Nhằm giúp cho đời sống tinh thần, kinh tế của hội viên, dân tộc ngày một tốt hơn, các cấp Hội trong tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ hội viên, phụ nữ; nhất là phụ nữ dân tộc trong toàn tỉnh. Vận động và phát huy vai trò tích cực của đội ngũ hội viên nòng cốt, người có uy tín trong cộng đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn