Tại các buổi làm việc, Đoàn giám sát nghe lãnh đạo UBND các huyện báo cáo kết quả công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện các Kế hoạch của UBND tỉnh về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ năm 2020 đến nay.
Qua báo cáo, các đơn vị đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các đơn vị phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục, quản lý trẻ em. Kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục, lan tỏa sâu rộng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Hỗ trợ tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho trẻ em như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh theo quy định, hưởng chính sách bảo trợ xã hội, đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường ở các bậc học, tổ chức các hoạt động truyền thông, diễn đàn giao lưu, chia sẻ kiến thức, kỹ năng, xây dựng các thiết chế văn hóa tạo sân chơi lành mạnh, thăm hỏi và tặng quà nhân các dịp Lễ, Tết của thiếu nhi…trị giá hơn 2 tỷ đồng.
Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, phát động thực hiện khẩu hiệu "Chung tay bảo vệ trẻ em; hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em". Thành lập các mô hình "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Trường học an toàn", "Ngôi nhà an toàn", "Cộng đồng an toàn", "Tổ Phụ nữ tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em"; "Phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục"; "Thanh niên xung kích phòng chống xâm hại trẻ em" để giúp trẻ em được tiếp cận những kỹ năng mềm tự bảo vệ bản thân. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan kịp thời can thiệp, hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ gần 20 trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm phạm pháp luật.
Qua rà soát, các huyện đạt được trên 50% chỉ tiêu so với kế hoạch của giai đoạn. Tuy nhiên có những hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền thiếu thường xuyên và đồng bộ; Trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, nhu cầu trẻ em để giáo dục, chăm sóc, bảo vệ thiếu chặt chẽ; Việc tiếp cận can thiệp, hỗ trợ các trường hợp bạo lực, xâm hại đối với trẻ từng lúc còn chậm do gia đình chậm báo tin và cung cấp chứng cứ thiếu cụ thể; Các mô hình hoạt động thiếu bền vững; Các diễn đàn để lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em chưa nhiều; Chưa xây dựng các thiết chế văn hóa hoặc đã có nhưng chưa phát huy hiệu quả tích cực để đáp ứng nhu cầu tinh thần cho trẻ em; Kinh phí hỗ trợ cho công tác trẻ em còn hạn chế và công tác kiểm tra, giám sát thiếu thường xuyên…
Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả đạt được của các đơn vị, đề nghị thời gian tới, UBND các huyện rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Kế hoạch của UBND tỉnh, tiếp tục đề ra những giải pháp cụ thể tương ứng với những hạn chế, chỉ tiêu chưa đạt, chỉ đạo phòng chuyên môn và cơ sở phối hợp tổ chức thực hiện. Đồng thời tiếp thu những ý kiến, đề xuất của các đơn vị để kiến nghị lên cấp có thẩm quyền và các sở ngành liên quan sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Đồng thời, Hội LHPN tỉnh cũng tiếp tục tổ chức thực hiện giám sát nội dung việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 4525/KH-UBND ngày 20/11/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tại Sở lao động thương binh và xã hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn