Vừa qua, em Trịnh Đăng Khoa, SN 2004, học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đã trở thành thủ khoa tỉnh Sóc Trăng. Em đã đạt điểm số xuất sắc như sau: Ngữ văn 9; Toán 8,6; Tiếng Trung 9,8; Lịch sử 9,75; Địa lý 9,5; GDCD 10. Tổng điểm của em là 56,65, kém thủ khoa toàn quốc 0,2 điểm.
Trước đó, Đăng Khoa đã trúng tuyển chuyên ngành Kinh tế đối ngoại của trường Đại học Ngoại Thương cơ sở 2 TP. HCM bằng hình thức xét tuyển học bạ. Nam sinh hoàn toàn có thể dành thời gian nghỉ ngơi sau quá trình học tập miệt mài. Bởi em chỉ cần đạt đủ điểm để đỗ tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, Đăng Khoa không nghĩ vậy. Em vẫn nỗ lực để giành ngôi vị cao nhất, đó cũng là mơ ước của em.
Nam sinh Đăng Khoa chia sẻ: "Hai năm liên tiếp vừa qua, trường em đều có ngôi vị thủ khoa. Em rất ngưỡng mộ các các anh ấy nên muốn thử sức bản thân. Điều đầu tiên là giúp em thỏa niềm đam mê, thứ hai là giúp bản thân có thêm kiến thức hữu ích và điều cuối cùng là đem vinh quang, niềm hãnh diện về cho gia đình và nhà trường.
Sau khi kết thúc kỳ thi, em chỉ nắm chắc 50% đạt ngôi vị thủ khoa vì em biết có nhiều bạn làm bài tốt. Lúc ấy, tâm trạng em lo lắng, bồn chồn nên khi biết chắc mình trở thành thủ khoa, cảm xúc vỡ òa. Em đã gọi ngay cho thầy cô giáo cùng bố mẹ để thông báo kết quả, chia sẻ niềm hạnh phúc ấy. Ai cũng vui mừng, mẹ em còn bật khóc vì xúc động".
Chia sẻ về lý do chọn ngành Kinh tế đối ngoại, Đăng Khoa cho biết em đã đọc qua mô tả về ngành học và thấy khá phù hợp với bản thân. Hơn thế, nếu học chuyên ngành này, em sẽ có cơ hội phát triển tiếng Anh và học thêm ngôn ngữ khác.
Đăng Khoa học đều tất cả các môn, dù là tổ hợp KHXH hay KHTN, em cũng nắm vững kiến thức. Năm lớp 11, nam sinh đạt giải Nhất kỳ thi HSG môn Ngữ văn cấp tỉnh và đứng trong đội tuyển đi thi cấp quốc gia. Có được kết quả học tập tốt như vậy là do Đăng Khoa luôn đặt mục tiêu rõ ràng.
Thậm chí, em còn đặt những mục tiêu hơi quá sức để thử thách bản thân. Chẳng hạn như mục tiêu trở thành thủ khoa của tỉnh Sóc Trăng có phần lớn lao nhưng em vẫn muốn thử một lần xem bản thân có thực hiện được không. Sau khi đã có mục tiêu, Đăng Khoa sẽ lên kế hoạch, tính toán chi tiết thời gian và phương pháp học tập. Mỗi ngày, nam sinh lên 1 danh sách những việc cần giải quyết và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Em cho biết lộ trình cụ thể là điều rất quan trọng không chỉ trong học tập mà còn trong các công việc khác.
"Cô giáo của em từng nói một câu khiến em nhớ mãi: "The best or nothing" (Tốt nhất hoặc không có gì cả). Em học tập với tâm lý đó, đã học thì phải nỗ lực đạt đến sự hoàn hảo. Còn nếu không thì tốt nhất không học gì. Chứ em tuyệt đối không học theo kiểu dở dở ương ương", nam sinh Sóc Trăng cho biết.
Trong 3 năm học cấp 3, Đăng Khoa đi học thêm rất ít. Em chủ yếu chọn những khóa học online và tự học ở nhà. Các thầy cô giảng bài bằng hình thức livestream nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Nam sinh thấy phương thức học này rất hữu ích lại tiết kiệm chi phí. Đăng Khoa đề cao việc tự học bởi kiến thức là "biển cả" mà thời lượng truyền đạt trên lớp rất ngắn ngủi. Nếu không tự tìm tòi, khám phá thì bản thân sẽ không phát triển được. Chính tự học đã giúp Đăng Khoa gặt hái được "trái ngọt" như ngày hôm nay.
Đăng Khoa chụp cùng thầy cô giáo THPT của mình.
Trong quá trình học tập, Đăng Khoa cũng không tránh khỏi những áp lực tâm lý hay những thất bại. Điều này khiến em rơi vào tình trạng rối loạn cảm xúc, tinh thần không thoải mái. Những lúc đó, nam sinh sẽ nghe podcast, audio để "chữa lành vết thương". Ngủ một giấc thật dài, thật sâu cũng là một cách xoa dịu muộn phiền. Mỗi sớm thức dậy, nỗi buồn lại vơi đi một chút. Sau đó, em tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới để lên kế hoạch chinh phục.
Thủ khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm, mỗi ngày sẽ dành trên 10 tiếng để học bài. Em thường thức đến 12h khuya học bài và buổi sáng hôm sau dậy từ 4h sáng tiếp tục ôn bài. Cũng có lúc em bị sa đà vào việc sử dụng điện thoại và em sẽ dùng thời gian ngủ để học bài, bù lại khoảng thời gian lãng phí.
Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên Đăng Khoa cùng cô em gái mới học xong lớp 1 phải ở với ông bà nội từ nhỏ. Bố mẹ em đến Bình Dương – cách quê hơn 200km để mưu sinh. Mỗi sớm, bố em chạy qua Sài Gòn bán hủ tiếu, còn mẹ là công nhân ở một nhà may tư nhân. Đăng Khoa chỉ gặp bố mẹ 2 lần/năm, đó là vào dịp Tết và khi nghỉ hè, em sẽ ra Bình Dương thăm bố mẹ.
Hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của bố mẹ khi phải lao động vất vả, tích cóp từng đồng nuôi 2 anh em ăn học nên Đăng Khoa luôn nỗ lực học tập, không cần ông bà phải đốc thúc. Em không muốn khiến công ơn trời biển của bố mẹ uổng phí.
Đăng Khoa tâm sự: "Sau này khi tốt nghiệp Đại học, em muốn làm một công việc kiếm được nhiều tiền, miễn không phạm pháp và trái với đạo đức. Các bạn chạc tuổi em thường không đặt nặng vấn đề kiếm tiền nhưng em là người suy nghĩ khá thực tế. Muốn làm gì cũng cần đến tiền. Chẳng hạn như chúng ta muốn giúp đỡ những người khó khăn thì dùng tiền sẽ nhanh hơn, dùng sức rất hạn chế.
Quan trọng nhất là em muốn đem đến cuộc sống tốt hơn cho bố mẹ, ông bà. Có nhiều tiền thì cuộc sống sẽ đủ đầy, hạnh phúc hơn. Không có tiền cũng vẫn hạnh phúc nhưng đôi lúc sẽ cảm thấy thiếu thốn, buồn bã".
Đối với nam sinh, người đáng ngưỡng mộ nhất chính là ông bà và bố mẹ em. Họ đã hy sinh nhiều thứ để cho em một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bố mẹ ban tặng hình hài, lao động vất vả để nuôi em khôn lớn. Còn ông bà chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho em. Đăng Khoa luôn trân trọng và biết ơn những người thân yêu của mình.
Sau khi lên Đại học, nam sinh sẽ bắt đầu một cuộc sống mới với nhiều điều thú vị. Đăng Khoa sẽ đi làm để có thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ đóng học phí. Ngoài ra, em sẽ tham gia các hội nhóm trong trường để phát triển kỹ năng mềm. Học Ngoại ngữ, giảm cân, tập thể dục,… cũng là hoạt động nằm trong dự định của em.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn