Viêm gan B do virus viêm gan B gây ra và là một trong những bệnh lý phổ biến trên toàn cầu. Viêm gan B có thể diễn tiến cấp tính và mãn tính và hậu quả có thể gây ra là xơ gan và ung thư gan. Đây là bệnh lý có khả năng lây lan. Vậy bố bị viêm gan B có lây sang con không?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây nhiễm trùng nếu nó xâm nhập vào cơ thể của những đối tượng không được bảo vệ bởi vắc-xin.
Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày, nhưng có nhiều trường hợp ủ bệnh từ 30 đến 180 ngày. Virus viêm gan B có thể được phát hiện trong vòng 30 đến 60 ngày sau khi nhiễm bệnh và có thể tồn tại và phát triển thành bệnh lý viêm gan B.
Các bác sĩ cho biết virus viêm gan B rất dễ lây,khả năng lây nhiễm của virus này cao hơn HIV 100 lần. Theo đó, có 3 con đường chính lây lan virus viêm gan B là đường máu, đường tình dục và tự mẹ sang con.
Đọc thêm:
- Tiêm phòng viêm gan B và những câu hỏi thường gặp
- Mẹ mang thai bị viêm gan B và những điều cần biết
Rất nhiều bệnh nhân cũng như người nhà người bệnh băn khoăn bố bị viêm gan B có lây sang con không. Các nghiên cứu cho biết, dù ít khả năng lây lan nhưng bố bi viêm gan B hoàn toàn có thể lây sang con thông qua cơ chế gián tiếp: người mẹ có thể bị nhiễm qua quan hệ tình dục và lây nhiễm sang cho con hoặc lây nhiễm trực tiếp qua đường máu.
Dưới đây là những trường hợp bố bị viêm gan B lây nhiễm cho con:
- Lây lan gián tiếp qua con đường quan hệ tình dục
Ở trường hợp này, người chồng bị viêm gan B nếu quan hệ với vợ mà người vợ chưa được tiêm phòng thì người vợ có khả năng mắc bệnh. Sau đó, virus viêm gan B được lây truyền sang cho con khi người mẹ mang thai.
Tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con khác nhau theo từng giai đoạn thai kỳ. Cụ thể: trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%, nếu người mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm sang con là 10% và tỷ lệ này sẽ tăng tới 60-70% nếu mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ.
Ngoài ra, các bác sĩ cảnh báo nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ cho con ngay sau khi sinh.
- Bố bị viêm gan B Lây trực tiếp cho con thông qua đường máu
Bên cạnh việc lây lan gián tiếp, bố bị viêm gan B có thể lây lan cho con trực tiếp bằng đường máu. Cụ thể, con bị lây nhiễm virus viêm gan B qua đường máu từ người bố trong những trường hợp vết thương hở của bố và con tiếp xúc với nhau. Từ đó, virus viêm gan B sẽ theo đường máu đi vào gan.
Ngoài ra, một vài trường hợp truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu của bố mắc viêm gan B chưa được sàng lọc bệnh có khả năng lây nhiễm sang cho con cao.
- Bố lây viêm gan B cho con qua sinh hoạt chung:
Các bác sĩ cho biết virus viêm gan B có thể lây lan qua con đường sinh hoạt chung, cụ thể là dùng chung một số vật dụng như bàn chải đánh răng, dao cạo...Sự lây nhiễm này thông qua các vết trầy, xước...
Như vậy, bố bị viêm gan B hoàn toàn có thể lây sang cho con gián tiếp qua con đường tình dục, lây trực tiếp qua đường máu hoặc sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Làm sao để bố bị viêm gan B không lây sang con là vấn đề quan tâm của rất nhiều người bệnh.
Theo đó, các bác sĩ cho biết, để ngăn ngừa khả năng lây lan virus viêm gan B từ bố sang con cần lưu ý những vấn đề sau:
- Vợ nên đi tiêm vắc- xin trước khi có quan hệ tình dục nếu người chồng mắc virus viêm gan B. Tiêm vắc - xin cho người vợ khi chồng bị viêm gan B sẽ phòng ngừa được lây nhiễm virus viêm gan B từ bố sang con qua con đường tình dục.
- Theo dõi sức khỏe thường xuyên: Ngay khi nghi ngờ bản thân mắc bệnh viêm gan B, cần tới ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, xét nghiệm và cần khám sức khỏe định kì để phát hiện bệnh sớm nhất.
- Thông báo với người xung quanh khi bị mắc bệnh: Điều này sẽ giúp cho cả người bệnh và người thân xung quanh có các biện pháp chủ động phòng tránh bệnh.
- Tiêm phòng vắc - xin phòng ngừa virus viêm gan B cho cả gia đình theo phác đồ của Bộ y tế.
- Người bố cần đặc biệt lưu ý, dù chỉ bị một vết thương nhỏ cũng cần băng bó cẩn thận. Bố bị viêm gan B không nên sử dụng vật dụng chung với con.
Các con số thống kê cho thấy khả năng lây nhiễm viêm gan B từ bố sang cho con chỉ khoảng 3%. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu không có các biện pháp đề phòng thì khả năng này bố bị viêm gan B lây sang con sẽ càng tăng lên.
Chính vì vậy, với những đối tượng là nam giới mắc viêm gan B cần động viên người vợ tiêm phòng vắc xin ngừa viêm gan B trước khi có quan hệ tình dục để phòng lây nhiễm. Trong những trường hợp không được dự phòng cho vợ, cần tiêm vắc- xin cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng để phòng bệnh viêm gan B.
Trên đây là những thông tin giải đáp cho thắc mắc bố bị viêm gan B có lây sang con không cũng như một số biện pháp phòng ngừa sự lây lan virus viêm gan B từ bố sang con. Hi vọng những kiến thức này sẽ giúp nam giới chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan B cũng như tránh lây lan virus cho con khi mắc bệnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn