Chiều tối 2/6 diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngay sau Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020. Vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm là thời gian qua, loại tội phạm tín dụng đen xuất hiện với hình thức tinh vi hơn. Báo giới cũng đã phản ánh tình trạng nở rộ dịch vụ cho vay tiền qua app (ứng dụng trên điện thoại) nhưng phải trả lãi cao, điều này khiến nhiều người vay bị lâm vào cùng cực.
Trả lời báo giới về vấn đề này, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết: Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi hiện chiếm 22,6% các loại tội phạm. Tín dụng đen là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương.
Với loại tội phạm tín dụng đen sử dụng công nghệ cao, hoạt động với các thủ đoạn đa dạng, ở hầu hết các địa phương, khu vực, "chúng ta phải đấu tranh làm mạnh, đặc biệt lực lượng cảnh sát hình sự và cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao", ông Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Thực tế, tín dụng đen hoạt động mạnh bởi nhu cầu vay tín dụng khá lớn. Đặc biệt, người đi vay tín dụng đen đều ở tình trạng cần tiền gấp, trong đó có cả đối tượng nghiện hút, cờ bạc… Tín dụng đen là loại tội phạm nguy hiểm, là mục tiêu đấu tranh của công an.
Ông Tô Ân Xô cho biết thêm, lực lượng công an đã có cảnh báo các loại tội phạm này, đồng thời có các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tránh rơi vào bẫy tín dụng đen… Đặc biệt, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiến hành sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có hoạt động vi phạm liên quan đến tín dụng đen.
Cũng tại buổi họp báo, báo giới đặt câu hỏi với đại diện Bộ Công an về 5 đại án gồm: "Vụ Nhật Cường", Vụ án "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; Vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri); Vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" của Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Liên quan đến 5 đại án kinh tế, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết: Đây là chủ trương của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo Bộ Công an làm dứt điểm từ nay đến cuối năm. Bộ Công an là cơ quan có trách nhiệm xác minh, làm rõ.
"Chúng tôi sẽ thực hiện đúng tinh thần mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa ra", ông Tô Ân Xô nói.
Trả lời tại buổi họp báo về hoạt động chi trả hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 nhiều địa phương có hiện tượng "dê nhầm nhà, gà lạc chuồng", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ là gói an sinh xã hội chưa có tiền lệ. Trong quá trình triển khai, cá biệt có vài địa phương lập danh sách sai lệch, vi phạm.
"Chúng tôi qua giám sát, kiểm tra đã sớm phát hiện và xử lý". Ví dụ vụ việc ở huyện Triệu Thành, Thanh Hoá, đã phải dừng Đại hội Đảng bộ xã, không tái cử Bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch MTTQ không được vào danh sách Ban chấp hành Đảng bộ.
Với tỉnh Hoà Bình, chúng tôi đã có chỉ đạo, UBND tỉnh Hoà Bình cũng đã chỉ đạo UBND huyện Lạc Sơn đình chỉ công tác với công chức lao động-thương binh xã Quý Hoà…".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn